Trăng xanh là một hiện tượng thiên văn thú vị. Vậy hiện tượng bí ẩn này là gì? Liệu mặt trăng thực sự có màu xanh không?
Cũng giống như “Siêu trăng”, Trăng Xanh là một hiện tượng hiếm hoi về chị Hằng, nhưng lại ít được dư luận biết đến. Sau đây là những điều cần biết về hiện tượng trăng tròn này.
Trăng xanh là gì?
Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Hội Thiên văn học Trẻ Việt Nam cho biết: Trăng xanh của mùa là để chỉ lần trăng tròn thứ ba trong số bốn lần trăng tròn của một mùa. Theo cách tính này, cứ khoảng 3 năm sẽ có một lần trăng xanh của mùa. Lần gần đây nhất là vào 20/8/2013 và lần tiếp theo là 21/5/2016. Trăng xanh của tháng là để chỉ lần trăng tròn thứ hai trong tháng dương lịch.
Như chúng ta đều biết chu kỳ tuần trăng là 29,53 ngày. Vậy nên với những tháng có 30 hoặc 31 ngày nếu thời điểm trăng tròn rơi vào ngày mùng 1 thì ngày 30 hoặc 31 của tháng đó sẽ lặp lại pha này của Mặt trăng. Lần trăng tròn thứ hai của tháng sẽ được gọi là Trăng xanh. Trăng xanh của tháng dễ xảy ra hơn trăng xanh của mùa, khoảng 2,5 năm sẽ xuất hiện 1 lần.
Kết hợp cả hai cách định nghĩa trên thì cứ hơn 1 năm là có một lần trăng tròn được tính là Trăng xanh.
Trăng Xanh ở Columbia (Mỹ) - (Ảnh: Missourian).
Những điều thú vị về trăng xanh
Nó không thực sự màu xanh: Trên thực tế, cái tên Trăng Xanh không liên quan gì đến màu sắc của mặt trăng. Trong một số thời điểm, trăng tròn có thể mang màu đỏ nhạt.
Có hai định nghĩa về Trăng Xanh: Thuật ngữ Trăng Xanh ban đầu được đặt cho kỳ trăng tròn thứ 3 trong tổng số 4 mùa trăng, nhưng sau khi có một sự nhầm lẫn trên tạp chí Sky & Telescope vào năm 1943, nó lại mang một nghĩa khác. Bài viết trên tạp chí định nghĩa sai Trăng Xanh là lần trăng tròn thứ hai trong 1 tháng, nhưng không may là định nghĩa này kéo dài đến ngày nay.
Trăng Xanh có nhiều tên: Ngày nay, trăng tròn còn được biết đến với các tên gọi như Ngày trăng tròn cá tầm, Trăng bắp xanh, Trăng ngũ cốc và Trăng tròn đỏ... Mỗi cái tên trăng tròn tháng 8 được đặt theo truyền thống của thổ dân Bắc Mỹ và dân châu Âu.
Trăng chỉ tròn trong một khoảnh khắc: Dù trăng có vẻ tròn vào đêm trước lẫn đêm sau, nhưng về mặt kỹ thuật, nó chỉ tròn trong một thời gian ngắn chứ không kéo dài.