Đằng sau những lần phóng tàu vũ trụ thành công lên không gian của NASA có bóng dáng một cơ quan chính phủ bí mật của Mỹ.
Tàu Apollo 11 được phóng ngày 16/7/1969. (Ảnh: NASA)
Cơn sốt lên Mặt Trăng không phải là cuộc đua duy nhất trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. Trong khi hai bên chạy nước rút để lên quỹ đạo Mặt Trăng, có một cuộc cạnh tranh bí mật khác diễn ra giữa Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và quân đội để giành ảnh hưởng trong các dự án không gian, theo The Daily Beast.
Hai bên đối đầu nhau vào tháng 4/1981, trong chuyến bay quỹ đạo thử nghiệm của tàu con thoi đầu tiên, Columbia. Sản phẩm hàng đầu của NASA, biểu tượng cho sức mạnh quân sự và khoa học của Mỹ này đã gặp trục trặc khi một phần lá chắn nhiệt bị hỏng. Không ai hay biết hư hỏng này sẽ ngăn cản Columbia trở về Trái Đất an toàn.
Trong thời khắc đó, dường như chỉ có Văn phòng Do thám Quốc gia (NRO), nơi kiểm soát hầu hết các vệ tinh do thám của chính phủ, có nhân viên ở khắp Không quân, Hải quân và Cục tình báo trung ương (CIA), là có đủ khả năng cứu được con tàu cùng phi hành đoàn, cũng là cứu đối thủ cạnh tranh của chính mình.
Đó là một đoạn quan trọng trong cuốn sách của Rowland White, một chuyên gia hàng không và là tác giả của một số hồ sơ về các phi công tiên phong điều khiển các máy bay công nghệ cao.
Tác giả đã phỏng vấn nhiều phi hành gia kỳ cựu và các nhà lãnh đạo của NASA, và viết cuốn sách tựa đề "Into the black". Cuốn sách nói về cuộc chạy đua không gian thời kỳ Chiến tranh Lạnh theo quan điểm của một nhóm nhỏ các phi công thử nghiệm, có cả Bob Crippen, sĩ quan Hải quân thuộc NASA, người qua lại giữa hai phe Không quân và NASA trong cuộc thi, trước khi gia nhập phi hành đoàn tàu con thoi của NASA.
Crippen điều khiển tàu Columbia trong nhiệm vụ đầu tiên của mình, nhiệm vụ suýt giết chết ông và có thể đã làm chương trình không gian có người lái của Mỹ phải đình chỉ.
Câu chuyện bắt đầu từ ngày 4/10/1957, khi Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới, Sputnik. Chính phủ Mỹ khi đó cũng đang nghiên cứu vệ tinh riêng của mình, nhưng Sputnik đã làm họ hoảng loạn. Năm 1958, Quốc hội đã thông qua một đạo luật cho phép thành lập Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ - NASA. Tổng thống Dwight Eisenhower ký quyết định thành lập.
Tiền được đổ về NASA và vào ngày 12/9/1962, tổng thống kế nhiệm Kennedy tuyên bố tại Houston: "Đất nước này phải hoàn thành mục tiêu đưa con người lên Mặt Trăng và trở về an toàn, trước khi thập kỷ này kết thúc". Khi đó, chương trình Apollo nhằm mục đích này đã tiến hành được hai năm.
Nhưng NASA không phải cơ quan duy nhất của Mỹ về không gian khi đó. Năm 1961, Tổng thống Eisenhower đã bí mật thành lập NRO, cơ quan giám sát các vệ tinh của Mỹ, kết hợp nhân sự và thiết bị từ Không quân, Hải quân, CIA. Sự tồn tại của cơ quan này là tuyệt mật cho tới năm 1992.
NRO và Không quân thậm chí còn có chương trình không gian có người lái của riêng mình, với mục tiêu bí mật giám sát Trái Đất. Họ đã xây dựng thành công một phần của nguyên mẫu của "phòng thí nghiệm quỹ đạo có người lái". Nếu không bị Nixon hủy bỏ vào năm 1969, đây sẽ là Trạm vũ trụ đầu tiên của Mỹ.
NRO và Không quân cũng đã phát triển và phóng được một loạt vệ tinh do thám tự động, không người lái ngày một tinh vi lên quỹ đạo. Loạt vệ tinh Keyhole được trang bị máy ảnh phim hiện đại có ống kính lớn với các thấu kính cho phép chụp ảnh chi tiết bề mặt Trái Đất.
Phim chụp xong sẽ được cho vào hộp, gắn dù và thả xuống khí quyển. Máy bay chở hàng đặc biệt của Không quân sẽ có trách nhiệm thu thập phim. Tới giữa những năm 1970, các vệ tinh đã có thể truyền ảnh kỹ thuật số trực tiếp về Trái Đất theo thời gian thực. Vào năm 1973, các vệ tinh Keyhole còn từng giúp Trạm vũ trụ của NASA sửa chữa các tấm năng lượng Mặt Trời hỏng.
Nhưng chương trình Keyhole thuộc loại tối mật, công chúng không thể biết tới. Và bất chấp những thành công của NRO, các quan chức Không quân chủ chốt vẫn cam kết một chương trình không gian có người lái. Đứng đầu trong số đó, các phi hành gia quân sự của Không quân đã tuyển dụng lại phi hành đoàn của chương trình "phòng thí nghiệm quỹ đạo có người lái" đã bị hủy bỏ trước đây, trong đó có cả Crippen.
Tàu Columbia dự định được phóng lên vào năm 1979 để sửa chữa trạm vũ trụ Skylab đang bị hỏng hóc. Tuy nhiên, tấm chắn nhiệt chịu được nhiệt độ 2.300 độ C khi trở lại khí quyển Trái Đất đã được chứng minh là rất dễ bị rời ra. NASA khởi xướng chương trình thiết kế tấm chắn mới nhưng không kịp. Lịch phóng tàu đã phải chuyển xuống năm 1981, muộn hai năm so với dự kiến. Skylab không được sửa chữa kịp thời đã rơi xuống Trái Đất vào tháng 6/1979.
Tuy bộ trưởng Không quân Hans Mark đã hỗ trợ ngân sách một tỷ USD để cứu dự án này, NRO và Quân đội vẫn phản đối kế hoạch sử dụng tàu vũ trụ để đưa vệ tinh do thám của họ lên quỹ đạo. Họ thích sử dụng các tên lửa đẩy dùng một lần hơn.
Theo Mark, sự miễn cưỡng của các cơ quan trong vấn đề hợp tác với NASA và các chương trình tàu vũ trụ sẽ làm suy yếu kế hoạch không gian có người lái của Mỹ. Do đó, ông đã yêu cầu Không quân và NRO thiết kế lại vệ tinh cho phù hợp với tàu vũ trụ.
Vệ tinh đầu tiên Sputnik của Liên Xô, nặng khoảng 84 kg. (Ảnh: NASA)
Lần phóng đầu tiên của Columbia là vào ngày 12/4/1981, tại Cape Canaveral. Khi ở trên quỹ đạo cách Trái Đất hơn 270 km, Crippen và chỉ huy nhiệm vụ John Young đã hoảng sợ khi thấy một vài tấm chắn nhiệt đã biến mất ở phần đuôi của Columbia.
Các tấm chắn phần đuôi không quan trọng lắm, nhưng ở phần bụng tàu thì rất quan trọng. Nếu vài tấm đã bị rơi ra, chắc chắn Columbia sẽ bị phá hủy khi trở lại khí quyển, và sẽ phải cần tới các hoạt động cứu hộ.
Tuy nhiên hai người không có cách nào quan sát phần bụng tàu để đánh giá hỏng hóc, buộc NASA phải ra lệnh cho Crippen và Young cố gắng thực hiện cú hạ cánh đầy rủi ro hay chuẩn bị giải cứu hai phi hành gia.
May mắn cho họ, vệ tinh Keyhole có thể chụp ảnh phần bụng của Columbia. Nó truyền hình ảnh xuống trạm của NRO đặt tại Virginia. Rất nhanh sau đó, NASA có trong tay những bức ảnh này và xác nhận không có hư hỏng ở phần bụng tàu.
Columbia đáp xuống vào ngày 14/4, mở ra một kỷ nguyên mới của các chuyến bay vào vũ trụ chở người. Nhưng như những gì được tiết lộ trong cuốn sách của White, 31 năm hoạt động tàu vũ trụ của NASA sẽ không bao giờ xảy ra nếu không được đối thủ giúp đỡ.
Thời gian sau đó đã chứng minh rằng Không quân và NRO đã đúng về tàu vũ trụ, tốn kém, không đáng tin cậy và không an toàn, đối lập hoàn toàn với những phẩm chất mà NASA cam kết. Từ năm 1981 đến 2011 chỉ có 135 nhiệm vụ được thực hiện, trung bình mỗi 12 tuần mới có một chuyến bay. Chi phí cho mỗi pound tải trọng vẫn mắc kẹt ở khoảng 10.000 USD, lớn hơn rất nhiều con số 20 USD mà NASA dự đoán.
Thậm chí còn có hai tai nạn thảm khốc vào các năm 1986 và 2003, khiến 14 phi hành gia thiệt mạng. Tàu Challenger đã bị bốc cháy khi một tên lửa đẩy của nó phát nổ khi đang bay lên. Columbia vào năm 2003 thì bị các mảnh vỡ làm hư hỏng lớp bảo vệ trên cánh trong quá trình phóng và gặp nạn, một tai nạn mà nó có thể đã gặp phải sớm hơn hai thập kỷ.
Chính những cơ quan phản đối kế hoạch này ngay từ đầu và làm hết sức để ngăn cản nó phát triển trước khi bị Mark buộc phải tham gia dự án, cuối cùng đã góp phần cứu nguy cho nó.
NRO cũng tham gia tư vấn trang thiết bị cho tàu không người lái X-37B đầu tiên của Không quân Mỹ, được phóng lên quỹ đạo một năm trước khi hạm đội tàu con thoi ngừng hoạt động vào năm 2011.
X-37B được phóng lên nhờ tên lửa tự động, nguy cơ thấp, mang theo các trang bị có thể coi là tốt nhất của tàu vũ trụ và có thể tái sử dụng. Nếu nó phát nổ trong lúc trở lại khí quyển sẽ không có thiệt hại về người.