Do tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao đang thấm vào bên trong một bãi chứa chất thải hạt nhân của Mỹ trên quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương. Nguy cơ rò rỉ các chất phóng xạ còn sót lại sau một số vụ thử vũ khí nguyên tử lớn nhất thế giới đang hiển hiện.
Cô Christina Aningi - hiệu trưởng của trường học duy nhất trên đảo san hộ Enewetak (thuộc quần đảo Marshall) cho biết: “Tại sân trường, học sinh ngồi trên bãi cát hồn nhiên hát về hòn đảo, về san hô, nắng gió và những cây cọ đung đưa. Các em được sinh ra hàng thập kỷ sau khi vụ nổ hạt nhân cuối cùng ở Thái Bình Dương. Nhưng chúng tôi gọi nó là lăng mộ. Những đứa trẻ không hiểu rằng, đây là nơi có thể phát tán chất độc. Nỗi ám ảnh tưởng chừng đã bị chôn vùi từ lâu đang đe dọa bùng phát trở lại”.
Trên hòn đảo phía Tây của quần đảo Marshall (nằm giữa Australia và Hawaii) là khu di tích giống hình “mái vòm”. Nhìn vẻ bên ngoài, thật khó để đánh giá quy mô thực sự của chiếc hầm bê tông khi bề mặt của nó bị che khuất bởi những cây cọ và chà là. Nhưng từ trên không, nó trông giống như một chiếc đĩa bay khổng lồ rơi xuống mũi của một hòn đảo hoang. Chôn vùi bên dưới là 85.000 mét khối chất thải phóng xạ - một di sản độc hại từ thuở sơ khai của thời đại vũ khí nguyên tử.
Quân đội Mỹ đào hố chôn lấp chất thải hạt nhân ở Runit cách đây hơn 40 năm.
“Mái vòm” trên đảo san hô
Cuối năm 1970, đảo san hô Enewetak là nơi chôn vùi chất thải hạt nhân lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Các mảnh vỡ bị ô nhiễm nặng còn sót lại sau hàng chục vụ thử vũ khí nguyên tử đã được đổ vào một cái hố rộng cả trăm m2 trên mũi hòn đảo hoang. Các kỹ sư của quân đội Mỹ đã bịt kín nó bằng một nắp bê tông dày nửa mét, rộng gần bằng sân bóng đá rồi rời khỏi đảo. Hiện giờ với mực nước biển dâng cao, nước đã bắt đầu xâm nhập vào mái vòm.
Mỹ đã cho thử 43 quả bom nguyên tử xung quanh chuỗi đảo trong những năm 1940 và 1950. Bốn trong số 40 hòn đảo của cụm đảo Enewetak đã bị bốc hơi hoàn toàn sau các cuộc thử nghiệm. Mỗi vụ nổ nhiệt hạch để lại một hố rộng 2km như miệng núi lửa, dù trước đó nó là hòn đảo nhỏ. Hồi đó, cư dân của Enewetak đã được chuyển đến một hòn đảo khác trong quần đảo Marshalls trước khi thử nghiệm. Hơn 30 năm sau, những cư dân này mới được phép trở về nhà. Trong quá trình xử lý chất thải hạt nhân, Washington đã chi ngân sách xây dựng mái vòm như một cơ sở lưu trữ tạm thời cùng kế hoạch ban đầu là lót bê tông ở đáy của miệng núi lửa. Nhưng sau đó, phương án được cho là quá đắt.
Ông Michael Gerrard - Chủ tịch Viện Trái đất của Đại học Columbia (New York) cho biết: “Phần đáy của “mái vòm” chỉ là những gì còn sót lại sau vụ nổ vũ khí hạt nhân đổ thẳng vào. Nó là đất, có khả năng thẩm thấu, và không có gì lót dưới đáy cả. Do đó, nước biển có thể xâm nhập vào”. Người dân địa phương hiếm khi đặt chân đến đảo Runit, nơi có “mái vòm” này. Họ lo sợ về nồng độ bức xạ vượt quá giới hạn. Cho đến ngày nay, chỉ có 3 hòn đảo dọc theo vành đai của Enewetak được coi là đủ an toàn cho cuộc sống của con người. Ông Giff Johnson công tác tại Tạp chí Quần đảo Marshall - tờ báo duy nhất của đất nước - nói: “Các hòn đảo khác có quá nhiều nỗi lo về phóng xạ. Việc xử lý chôn như vậy là vô tác dụng”.
Mái vòm Runit có nguy cơ bị ngấm nước biển do biến đổi khí hậu.
Di sản hạt nhân ở thời đại biến đổi khí hậu
Sau các cuộc thử nghiệm nguyên tử, người dân Enewetak đã mất đi môi trường đánh bắt cá và tự cung tự cấp truyền thống. Vùng biển từng hỗ trợ sinh kế của họ giờ đã bị ô nhiễm. Trên hòn đảo chính, những lo ngại về ô nhiễm phóng xạ của chuỗi thức ăn đã khiến người ta không dám ăn cá và dừa. Bộ Năng lượng Mỹ thậm chí đã cấm nhập khẩu cá và cùi dừa từ Enewetak vì tình trạng ô nhiễm. Phần lớn thực phẩm hiện được đưa vào đảo bằng sà lan và điều đó có nghĩa là người dân trên đảo phụ thuộc vào các mặt hàng chế biến và đóng hộp nhập khẩu. Các kệ hàng của cửa hàng duy nhất ở Enewetak chủ yếu chứa đầy các thanh sô cô la, kẹo xốp và khoai tây chiên thương hiệu Mỹ.
Trong 30 năm qua, Jack Niedenthal đã giúp người dân đảo san hô Bikini lân cận đấu tranh đòi bồi thường cho 23 cuộc thử nghiệm nguyên tử được tiến hành ở đó. Ông Niedenthal nói: “Điều này có thể gây ra một số vấn đề lớn cho phần còn lại của nhân loại nếu tất cả những thứ đó bị chìm dưới nước biển. Bởi vì đó là Plutonium”. Một số mảnh vỡ bị chôn vùi bên dưới “mái vòm” bao gồm Plutonium-239, một đồng vị phân hạch được sử dụng trong đầu đạn hạt nhân, một trong những chất độc hại nhất trên Trái đất. Nó có chu kỳ bán rã phóng xạ là 24.100 năm.
Từ đỉnh của “mái vòm”, người ta có thể phóng tầm mắt bao quát đại dương, nơi những ngọn sóng lăn tăn của Thái Bình Dương đang vỗ nhẹ. Một hố bom sâu từ một vụ thử nguyên tử khác khoét sâu vào bãi san hô cách đó chỉ vài mét. Mặc dù đảo Runit đã chính thức hạn chế đi lại, nhưng khu vực “mái vòm” vẫn không được bảo vệ và cảnh báo nguy hiểm. Vị trí của nó ở ngay rìa bờ biển càng làm tăng mức độ dễ bị tổn thương và phơi nhiễm của bãi chứa chất thải hạt nhân này. Các vết nứt có thể nhìn thấy trên bề mặt của “mái vòm” và các vũng nước xung quanh vành của nó.
Ông Michael Gerrard - Đại học Columbia chia sẻ: “Chính phủ Mỹ đã thừa nhận một cơn bão lớn có thể phá hủy hoặc cuốn trôi “mái vòm”, khiến toàn bộ bức xạ trong đó bị phân tán”. Trong khi Giáo sư Gerrard muốn Mỹ phải gia cố “mái vòm”, một báo cáo của Chính phủ Mỹ năm 2014 cho biết, công trình nếu gặp sự cố nghiêm trọng cũng sẽ không thay đổi mức độ ô nhiễm cho các vùng nước xung quanh nó. Giáo sư Gerrard nói: “Tôi bị thuyết phục rằng, bức xạ bên ngoài “mái vòm” cũng tồi tệ như bức xạ bên trong nó. Và do đó, một điều trớ trêu bi thảm là, Chính phủ Mỹ có thể đúng khi vật liệu này bị phát tán thì tình trạng vốn đã tồi tệ của môi trường xung quanh đó sẽ không trở nên tồi tệ thêm”.
Nhưng đó là niềm an ủi lạnh lùng đối với người dân Enewetak, những người lo sợ họ có thể phải di dời một lần nữa nếu “mái vòm” sụp đổ. Cô Hiệu trưởng Aningi nói: “Nó chỉ cần nứt ra thì hầu hết những người ở đây sẽ không còn tồn tại nữa. Nó giống như một nghĩa địa đối với chúng tôi và điều đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào”. Một báo cáo do Bộ Năng lượng Mỹ thực hiện vào năm 2013 cho thấy, các vật liệu phóng xạ đang đe dọa sự tồn tại vốn đã mong manh của người dân Enewetak.
“Mái vòm đó là biểu trưng cho mối liên hệ giữa thời đại hạt nhân và thời đại biến đổi khí hậu. Hậu quả sẽ rất tàn khốc nếu nó thực sự bị rò rỉ. Chúng ta không chỉ nói về quần đảo Marshall mà đang nói về cả Thái Bình Dương” - Alson Kelen, nhà hoạt động về biến đổi khí hậu của quần đảo Marshall cho biết.
“Mái vòm đó là biểu trưng cho mối liên hệ giữa thời đại hạt nhân và thời đại biến đổi khí hậu. Hậu quả sẽ rất tàn khốc nếu nó thực sự bị rò rỉ. Chúng ta không chỉ nói về Quần đảo Marshall, mà chúng ta đang nói về cả Thái Bình Dương”. Alson Kelen - nhà hoạt động về biến đổi khí hậu của quần đảo Marshall. |