Một nấm mồ khổng lồ dưới biển dự kiến dùng để chứa lượng chất thải phóng xạ ngày càng nhiều của Anh sẽ trở thành dự án cơ sở hạ tầng lớn tốn kém và kéo dài nhất ở nước này.
Dự án Geological Disposal Facility (GDF) bị trì hoãn lâu đến mức hiện nay Anh cần đào đường hầm qua 36km2 đá để tạo ra hang động đồ sộ dưới lòng đất nhằm chứa chất thải phóng xạ tích tụ qua 7 thập kỷ sản xuất điện hạt nhân dân sự, theo Telegraph. Ước tính mới nhất của các nhà khoa học ở Cơ quan chất thải hạt nhân (NWS), đơn vị phụ trách thiết kế, chỉ ra dự án cần hơn 150 năm để hoàn thành với tổng chi phí là 83 tỷ USD. Mức chi phí đó đưa dự án vượt xa công trình nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C (57,8 tỷ USD) và đường sắt HS2 London - Birmingham (75,3 tỷ USD), hai dự án xây dựng lớn nhất ở Anh tính đến nay.
Hầm chứa chất thải hạt nhân Geological Disposal Facility (GDF) sẽ nằm ở độ sâu vài kilomet dưới đáy biển. (Ảnh: Yahoo).
Thể tích của khán phòng hoàng gia Albert Hall là 100.000m3, chỉ riêng số chất thải phóng xạ cần không gian bằng 8 khán phòng Albert Hall. Cụm hang động cần lớn hơn lượng chất thải và bao gồm thêm các đường hầm, vì vậy Anh sẽ cần đào thể tích đất đá lớn gấp đôi. Chất thải phóng xạ bao gồm 110.000 tấn uranium, 6.000 tấn nhiên liệu hạt nhân đã sử dụng và khoảng 120 tấn plutonium, phần lớn lưu trữ ở bãi Sellafield tại Cumbria.
Công trình hoàn thiện sẽ còn lớn hơn do các ước tính chưa bao gồm chất thải tạo bởi thế hệ nhà máy điện hạt nhân tiếp theo mà chính phủ đang lên kế hoạch vận hành. Nhà chức trách Anh chưa quyết định nơi đặt GDF nhưng sau 5 thập kỷ cân nhắc, số địa điểm tiềm năng đã rút gọn xuống hai nơi. Một nằm ở ngoài khơi Lincolnshire, gần khu nghỉ dưỡng ven biển nổi tiếng Mablethorpe. Địa điểm còn lại ở ngoài khơi Cumbria quanh Copeland, một khu du lịch khác. Với cả hai địa điểm, ý tưởng thiết kế là đào hầm sâu 1.067 m, từ đó đào nhiều đường hầm nằm ngang nằm ở độ sâu vài kilomet bên dưới mặt biển.
Tại đó, công nhân sẽ đào những hầm chứa khổng lồ trong lớp đất sét không thấm nước và đá bùn. Các nhà khoa học hy vọng chúng có thể cung cấp nơi lưu trữ cuối cùng cho số chất thải hạt nhân của Anh. Sau khi đổ đầy chất thải hạt nhân, hầm chứa sẽ được lấp bằng xi măng và bịt kín vĩnh viễn.
Anh phải tiến hành biện pháp xử lý quy mô lớn như vậy do bản chất của hoạt động phóng xạ. Ví dụ, chu kỳ bán rã của plutonium là 24.000 năm trong khi của uranium-238 là 4,5 tỷ năm. Điều đó có nghĩa chất thải hạt nhân của Anh sẽ vẫn nguy hiểm ngay cả sau khi nền văn minh nhân loại biến mất. Theo Neil Hyatt, giám đốc cố vấn khoa học của NWS, chỉ ra quy mô vĩ đại của dự án, bảo quản lượng chất thải khổng lồ an toàn trong thời gian dài, không bao giờ có chi phí rẻ.
Quản lý chất thải hạt nhân đã trở thành vấn đề trong nhiều thập kỷ. Claire Corkhill, giáo sư ở Đại học Bristol kiêm thành viên Hội đồng cố vấn quản lý chất thải phóng xạ của chính phủ, cho rằng nếu không có nơi chứa chất thải, ngành công nghiệp hạt nhân không thể bền vững.
Trong khi đó, các tổ chức môi trường như Guardians of the East Coast ở Mablethorpe và South Copeland Against GDF ở Cumbria đang tổ chức biểu tình phản đối với thu thập chữ ký trên đơn kiến nghị. Theo Richard Outram, thư ký của tổ chức, ngành du lịch ở hai khu vực sẽ biến mất nếu chúng trở thành bãi chứa chất thải hạt nhân. Trong năm năm 2022, chỉ riêng Mablethorpe đã ghi nhận 4,5 triệu lượt khách du lịch.