Những điều thú vị về hậu môn của một số loài sinh vật

Những kiểu bài tiết độc nhất vô nhị của sinh vật

Nhiều hình thức bài tiết khác chứng minh cho sự kỳ thú của thế giới động vật xung quanh chúng ta.

Từ những con sâu biển bài tiết bằng miệng đến giun dẹp có vô số lỗ hậu môn trên lưng, sự tiến hóa đã tạo ra nhiều kiểu loại bỏ chất thải kỳ lạ. Dưới đây là những điều thú vị về hậu môn của một số loài sinh vật quanh ta.

Hoàn toàn không có hậu môn và bài tiết ngay trên mặt người

Một trong những cách bài tiết khó tin nhất là hoàn toàn không có hậu môn và loài vật làm việc này sống ngay trên mặt người.


Ve mặt không bài tiết lần nào cho đến khi chết. (Ảnh: Flickr).

Ve mặt (demodex folliculorum) hoàn toàn không có hậu môn. Chúng cũng không bài tiết qua miệng như một số sinh vật khác. Tất cả chất thải tạo ra sau khi ăn tế bào da và bã nhờn trên mặt người được nhồi vào ruột của chúng.

Với kiểu tiêu hóa lạ lùng này, ve mặt chỉ sống tối đa 16 ngày. Sau khi chúng chết và rã ra, chất thải lưu tồn ngay trên mặt người, kết hợp với vi khuẩn gây bệnh viêm da (hồng ban).

Mất khả năng lặn nếu không bài tiết

Từ đống phân hình lập phương của gấu túi wombat cho tới loài cá thải phân tạo ra lớp cát trắng trên bãi biển hay những con rùa thở bằng hậu môn, trong giới sinh vật có nhiều hậu môn rất “tài năng”. Nhưng đặc biệt nhất có lẽ là loài lợn biển. Chúng chìm nổi trên mặt nước bằng cách phóng trung tiện.


Khí thải trong ruột giúp lợn biển điều chỉnh trạng thái cơ thể. (Ảnh: iStock).

Chế độ ăn cỏ biển giàu cellulose của lợn biển tạo ra một lượng lớn khí methane, chúng lưu trữ trong các nếp gấp ở ruột già. Điều này giúp lợn biển có thể nổi trên mặt nước khi cần. Còn khi chìm, chúng ép khí thải qua ruột và thải ra hậu môn.

Trong điều kiện nuôi nhốt, người ta quan sát thấy lợn biển không thể lặn khi bị táo bón. Khả năng này phục hồi sau khi chúng được dùng thuốc nhuận tràng. Có vẻ như chính việc đẩy hơi qua hậu môn đã giúp lợn biển bơi lặn một cách dễ dàng, không cần nhiều sức mạnh cơ bắp.

Vị khách "không mời" trong hậu môn

Hậu môn của con người thường chứa rất nhiều vi sinh vật, nhưng một số loài còn phải chịu đựng những thứ kinh khủng hơn. Hải sâm là một ví dụ.


Hậu môn hải sâm là nơi trú ngụ và nguồn thức ăn dự phòng của cá ngọc trai. (Ảnh: BBC).

Loài hải sâm chấp nhận sống với tình trạng cá ngọc trai dài 16 cm ngọ nguậy trong hậu môn. Đó quả thực là một nơi ẩn náu tốt, vì hải sâm sản sinh ra độc tố khiến nhiều kẻ săn mồi hoảng sợ. Cá ngọc trai chống lại độc tố của hải sâm bằng cách tiết ra một lớp chất nhờn.

Tuy nhiên, chúng không phải vị khách lịch sự trong hậu môn. Khi không thể ra ngoài kiếm ăn, cá ngọc trai thoải mái gặm nhấm tuyến sinh dục và các cơ quan khác của vật chủ. May mắn thay, hải sâm có thể mọc lại các cơ quan này.

Tự rụng hậu môn để bảo vệ bản thân

Có một sinh vật tự vệ bằng cách ngắt bỏ hậu môn, đó là loài bọ cạp Nam Mỹ. Khi bị tấn công, chúng có thể tự rụng đuôi giống như thằn lằn. Tuy nhiên, vì hậu môn của bọ cạp nằm ngay gần mũi chích độc ở đuôi, nên khi rụng, chúng cũng mất cả bộ phận này.


Bò cạp chấp nhận rụng mất hậu môn để tiếp tục sống và giao phối. (Ảnh: Plos).

Thông thường, những con đực trưởng thành sẽ chấp nhận hy sinh phần đuôi để có thể tiếp tục sống và giao phối. Sau khi mất hậu môn, vết thương sẽ lành lại và cũng chẳng còn lỗ nào để chất thải thoát ra. Do đó chúng không thể bài tiết nữa.

Khi đó, bọ cạp chỉ có thể săn những con mồi nhỏ, vì chúng không còn nọc độc. Sau một thời gian ăn mà không bài tiết, bụng của chúng trương lên vì phân và khí thải tích tụ lại. Trong vòng khoảng 8 tháng, những con bò cạp không có hậu môn này sẽ chết.

Bài tiết giúp duy trì sự sống

Ngoài những điều kỳ lạ, hậu môn và sự bài tiết chất thải của sinh vật có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự sống trên Trái Đất. Chẳng hạn như phân cá voi làm màu mỡ môi trường sống ở biển.


Đống phân khổng lồ của cá nhà táng trên biển. (Ảnh: Discovermagazine).

Cá nhà táng thải ra một đống phân khổng lồ màu cam, nổi trên mặt nước. Các nhà sinh vật học biển gọi chúng là “poonami” – chơi chữ poo (phân) và tsunami (sóng thần).

Những đống phân này là “lương thực” cho sinh vật phù du – một mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn của hầu hết sinh vật biển, đồng thời đóng vai trò chuyển carbon dioxide ra khỏi khí quyển.

Các nhà khoa học ước tính chu kỳ này có thể loại bỏ 200.000 tấn carbon dioxide mỗi năm. Trước đây, khi cá voi còn nhiều, con số này là gần 2 triệu tấn.

Cập nhật: 25/04/2020 Theo Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video