Con cá trắm nặng gần 60kg, con ba ba nặng gần 25kg là những loài động vật có kích thước lớn được người dân Việt Nam liên tiếp bắt được trong những năm gần đây.
Con rắn hổ đất được một người dân bắt ở ấp Sơn An, xã Nam Thái, huyện Hòn Đất, Kiên Giang bắt được cuối tháng 5 vừa qua. Nó nặng 4,5kg, được cho là lớn nhất từ trước tới nay ở vùng này.
Rắn hổ đất là loại động vật quý hiếm cần bảo tồn, hiện nay có rất ít loại rắn lớn như vậy còn sót lại ở vùng Tứ giác Long Xuyên. Rắn hổ đất được cho là một loại thuốc quý, chữa các bệnh phong thấp, xương, tăng cường sinh lực... Chính vì vậy giá trị rắn hổ đất được thị trường đẩy lên cao khiến nhiều người vì lợi nhuận mà tàn sát động vật tự nhiên. (Ảnh: Gia Bảo)
Con ba ba nặng 24kg, rộng 60cm, dài hơn 1m được người dân ở chân cầu Chương Dương, Hà Nội bắt vào tháng 10 năm ngoái. Chuyên gia nghiên cứu về rùa Hà Đình Đức khẳng định con ba ba trên có nguồn gốc từ Nam Bộ, tên thường gọi là cua đinh, trên lưng thường có những nốt sần tròn. "Loại này có thể nặng tới 40-50kg. Trước đây tại hồ Bảy Mẫu trong công viên Thống Nhất cũng bắt được một con ba ba như trên, nặng tới 30kg", ông Đức nói.
Ông Đức cho biết thêm, con ba ba bắt được trên sông Hồng có thể là do nhà người dân nuôi nhốt và thoát ra ngoài. Năm 2007, ba ba đã được sách đỏ Việt Nam xếp vào loại nguy cấp, đang đứng trước nguy bị tuyệt chủng. (Ảnh: Bá Đô)
Tháng 8/2011, tại khu vực suối Bời Lời, xã Hưng Thuận, tỉnh Tây Ninh, người dân đã phát hiện và bắt được con cá sấu nặng gần 80kg. Theo nhận định của một số người, đây có thể là con cá sấu sổng chuồng từ một trang trại nuôi cá sấu ở gần suối Bời Lời. (Ảnh: Báo Tây Ninh)
Người dân Thanh Hóa bắt con cá này ở khu vực Nghi Sơn, Tĩnh Gia. Con cá có chiều dài 3,98m, nặng gần 30kg, phần thân to nhất rộng 0,4m. Ngư dân địa phương cho biết chưa từng nhìn thấy con cá có hình dạng giống con cá lạ này. Bình thường con cá hố có hình dạng gần giống to nhất cũng chỉ khoảng 5 đến 7kg.
Các cán bộ chuyên ngành thuỷ sản của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản Thanh Hoá nhận định: đây là loài cá hố rồng có tên khoa học là Trihiuruc muiticus. Do cá đã già, kích thước lớn khác thường nên hình dáng hơi khác với những con cá hố rồng khác. (Ảnh do Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Thanh Hoá cung cấp)
Gia đình ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh bắt được con cá chạch dài 1,6m, nặng 10kg vào tháng 9 năm ngoái. Nhiều người tới trả 5 triệu đồng nhưng gia đình không bán. Con chạch khổng lồ đã thu hút rất nhiều người dân xung quanh đến xem. (Ảnh: Khoahoc)
Con cá trắm đen nặng 56kg được người dân câu ngày 18/5/2011 tại hồ Min, thôn Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội. Đây là cá trắm có trọng lượng kỷ lục bị bắt tại Hà Nội. Phải hai người mới có thể nhấc lên được. Con cá trắm đen dài 1,3m, vòng bụng 85cm, đuôi rộng 42cm mỗi chiếc vẩy dài 7cm. (Ảnh do độc giả VnExpress cung cấp)
Tháng 2/2012, người dân ở thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam thấy con rết với chiều dài kỷ lục. Chiều dài toàn thân của con rết là 23cm, nếu tính cả 2 bộ phận đuôi và râu trên đầu thì phải đến 26cm. Kỷ lục con rết khổng lồ nhất thế giới vừa được xác lập năm ngoái ở Anh với chiều dài 27cm.
Theo những chuyên gia về sinh vật học, rết là nhóm động vật bò sát nguyên thủy. Chúng là loại động vật (cùng với con cuốn chiếu) có hàm răng phía trước, dẹt bề ngang, được bao bọc bởi lớp vảy, mặt trên (lưng) màu đỏ đen, mặt dưới (bụng) màu trắng. (Ảnh: Kienthuc)
Cua khổng lồ ở đầm Ô Loan, huyện Tuy An, Phú Yên được ngư dân bắt vào tháng 10/2010. Con cua có kích cỡ dị thường, nặng 1,5kg, với chiếc càng to gần bằng cổ tay người lớn. Khi cua bung càng chiều dài toàn thân đo được là 60cm, đường kính mai cua gần 10cm. Những người sống lâu năm ở vùng này cho biết, đây là con cua Sen sống ở đầm lầy, nhưng kích cỡ lớn như con cua này thì lần đầu tiên mới thấy. (Ảnh: Thiên Lý)
Các nhà khoa học Hà Tĩnh ghi nhận hình ảnh con nhện độc khổng lồ ở thôn Lạc Thắng, xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh. Chiều dài thân của con nhện khoảng 6cm, rộng 3cm, trọng lượng 6 gram, miệng rộng có hai răng cửa lớn, kích thước răng dài 10mm. Theo tiến sĩ Phạm Đình Sắc, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, con nhện nói trên thuộc họ nhện Theraphosidae, còn gọi là nhện lông, một trong những họ lớn của bộ nhện Araneae, với 883 loài thuộc 11 giống đã được ghi nhận trên thế giới. (Ảnh: Lê Bá Hạnh)