Nghiên cứu khoa học mới nhất cho rằng các dạng thức tồn tại địa lý từ thời cổ xưa trên bề mặt sao Hỏa đã tiết lộ thông tin thuyết phục về khả năng sự sống từng có ở nơi này.
Hàng trăm "đụn cát ma quái" hình lưỡi liềm lỗ chỗ trên bề mặt sao Hỏa có thể tiết lộ những bằng chứng mới về khả năng tồn tại của sự sống vi khuẩn cổ xưa trên hành tinh Đỏ.
Những lỗ sâu này đánh dấu vị trí các đụn cát lớn được vun lên cao hàng trăm bộ (feet) so với bề mặt từ hàng tỉ năm về trước.
Hàng trăm đụn cát ma quái hình lưỡi liềm lỗ chỗ trên bề mặt sao Hỏa - (Ảnh: NASA).
Bên cạnh việc cung cấp thông tin về điều kiện thời tiết của sao Hỏa trong quá khứ cũng như những thay đổi về gió trên sao Hỏa, các nhà nghiên cứu cho rằng việc xuất hiện các đụn cát ma quái có thể là mục tiêu hữu ích trong cuộc săn lùng và tìm kiếm dấu vết của sự sống cổ xưa trên hành tinh Đỏ, bởi có thể chúng từng là nơi các vi khuẩn trú ẩn để tránh những luồng bức xạ khắc nhiệt của môi trường.
Quan điểm này được các nhà nghiên cứu trình bày và giải thích trong bài báo khoa học mới xuất bản trên tạp chí Journal of Geophysical Research: Planets.
Theo đó, nhóm nghiên cứu cho rằng các đụn cát ma quái đó có thể là dấu vết còn lại sau quá trình phun trào dung nham của núi lửa, hay là những trầm tích còn lại sau khi bị nước nhấn chìm các cấu trúc bằng cát và bảo lưu quá trình đó cho tới hàng tỉ năm sau.
Những cấu trúc rõ ràng và nổi bật này cũng đã được quan sát thấy trên Trái đất và trong các hình ảnh vệ tinh chụp những vùng khác nhau của sao Hỏa như ở lòng chảo Hellas và khu vực mê cung Noctis Labyrinthus.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy hơn 480 đụn cát ma quái như thế ở khu vực Noctis Labyrinthus và hơn 300 đụn ở phía đông lòng chảo Hellas. Ở hai khu vực này, độ cao trung bình của các đụn cát lần lượt là 130 bộ và 246 bộ (39,6m và 74,9m).