Giới thiên văn học vừa xác định được bốn hệ sao đôi với các thành viên tồn tại sát sườn nhau, trái với giả thuyết phổ biến lâu nay trong giới khoa học.
>>> Không phát hiện được dấu hiệu sự sống tại Gliese 581
Trong khi các hệ sao đôi tồn tại khá phổ biến trong vũ trụ, giới khoa học luôn cho rằng hai thành viên trong một hệ sao sẽ nhanh chóng nhập lại thành một nếu ở khoảng cách quá gần.
Ảnh minh họa về hệ sao đôi lùn đỏ ở khoảng cách gần không tưởng
Các kết quả quan sát trong ba thập niên qua đã phát hiện vô số hệ sao đôi, nhưng không cặp nào có chu kỳ quỹ đạo ngắn hơn 5 giờ.
Tuy nhiên, nhờ vào dữ liệu thu được từ Kính viễn vọng Hồng ngoại Anh đặt tại Hawaii (Mỹ), nhóm chuyên gia do ông Bas Nefs thuộc Đài quan sát Leiden (Hà Lan) đã phát hiện được bốn hệ sao đôi mất không đầy 4 giờ để quay quanh nhau, chưa kể một hệ sao chỉ mất hai giờ rưỡi. Đây là điều tưởng chừng như không thể nào diễn ra trên thực tế.
“Điều đó có nghĩa là chúng ta phải tư duy lại cách các hệ sao đôi hình thành và phát triển”, theo UPI dẫn lời trưởng nhóm Bas Nefs.
Theo báo cáo đăng trên chuyên san Monthly Notices of the Royal Astronomical Society, các nhà khoa học miêu tả đối tượng nghiên cứu của họ là các cặp sao lùn đỏ, nhỏ hơn mặt trời khoảng 10 lần và kém chói sáng hơn 1.000 lần.
Các chuyên gia cho rằng có thể những đường từ trường mạnh mẽ của chúng đóng vai trò như một cái thắng, kìm hãm tốc độ quay của các thành viên và khiến chúng di chuyển gần nhau hơn.