Trên thế giới của chúng ta có vô vàn điều kỳ lạ mà con người chưa khám phá hết, trong đó có những điều thuộc về con người. Nhân kết thúc năm thập kỷ đầu thế kỷ 21, Mạng tin khoa học tự nhiên (MNN) của Mỹ đã giới thiệu những khám phá mới nhất cũng như những thành tựu khoa học tiêu biểu mà con người đạt được trong quá trình “nâng cấp” cơ thể con người, đặc biệt là những thành tựu trong lĩnh vực y sinh chữa bệnh và làm đẹp.
Vô vàn điều kỳ lạ về cơ thể con người
Một tế bào não người có thể lưu giữ lượng thông tin gấp 5 lần dung lượng của Bách khoa toàn thư mở Wikipedia. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học còn phát hiện ra nhiều điều thú vị về não. Đầu thập niên 80, nhà thần kinh học Marian Diamond thuộc Đại học California (Mỹ) đã tiến hành phân tích một số lát cắt lấy từ thùy trên đỉnh sọ và vùng vỏ não trước trán của Einstein và phát hiện thấy, tỷ lệ tế bào đệm trên tế bào thần kinh của Einstein lớn hơn những người bình thường. Một trường hợp đặc biệt khác, sau khi nghiên cứu não cụ bà Hendrikje van Andel-Schipper (Hà Lan) - người qua đời ở tuổi 115 hồi tháng 8/2008, các chuyên gia ở Đại học Y khoa Groningen đã phát hiện thấy số lượng tế bào não tương đương tế bào trong não của những người trong độ tuổi 60 - 80.
Các xung thần kinh của não di chuyển tốc độ 170 dặm/giờ (khoảng trên 270 km/giờ), cao hơn tốc độ của những chiếc xe hơi đời mới và nhờ có tốc độ nhanh như vậy mà cơ thể nhận biết được nhanh các tín hiệu đau khi bị chấn thương. Não người tạo ra năng lượng giống như bóng đèn 10W, hoạt động mạnh cả vào ban đêm và khi ngủ, sử dụng 20% ôxy đi vào cơ thể qua đường máu. Tuy chỉ chiếm 2% trọng lượng cơ thể nhưng não lại là bộ phận tiêu thụ rất nhiều ôxy và là bộ phận dễ bị tổn thương nhất nếu bị cạn kiệt ôxy, vì vậy thở sâu có tác dụng tăng cường sức khỏe cho não. Về logic, khi người ta ngủ, não cũng nghỉ thế nhưng thực tế não lại làm việc nhiều hơn, chính vì vậy mà con người mới có những giấc mơ, thậm chí có rất nhiều giấc mơ phức tạp mà đến nay khoa học vẫn chưa tường hết. Mặc dù não là trung tâm điều hành, cảm nhận các tác động bên ngoài nhưng bản thân não lại không có các thụ thể cảm nhận đau nên nó không thấy đau. Não là bộ phận mềm có nhiều màu nhưng chủ yếu vẫn là màu xám, 80% là dịch lỏng vì vậy việc cung cấp đủ nước cho cơ thể đóng vai trò quan trọng, giúp não khỏe mạnh và làm việc tốt.
- Trong vòng 30 phút, cơ thể chúng ta có thể phát nhiệt đủ đun sôi một nửa galông nước (2,27 lít).
- Người tóc vàng có số lượng tóc nhiều hơn những người tóc đen. Theo các phát hiện mới thì màu tóc quyết định số lượng tóc. Trung bình một người tóc đen có khoảng 100.000 chân tóc, người tóc vàng có tới 140.000 chân tóc. Lông mặt mọc nhanh hơn các loại lông khác trên cơ thể. Đàn ông nếu không cạo râu thì râu cằm sẽ mọc dài tới 30 feet (trên 9 mét) trong cả cuộc đời, trung bình mỗi ngày trên đầu rụng mất 60 - 100 sợi tóc.Tóc phụ nữ nhỏ hơn một nửa so với tóc nam giới và một sợi tóc nam giới sẽ kéo được một vật nặng 3,5 aoxơ (100g), tuổi thọ của một sợi tóc từ 3 - 7 năm.
- Hầu hết, trẻ nhỏ sinh ra đều có mắt xanh.
- Hắt hơi có lượng gió phát ra với tốc độ 100 dặm/giờ (160km/giờ).
- Axít dạ dày khoẻ đến mức có thể "hóa lỏng" một chiếc lưỡi dao bào.
- Bộ phận lớn nhất của nội tạng con người là ruột non.
- Những người thuận tay phải có tuổi thọ dài hơn những người thuận tay trái tới 9 năm. Tuy nhiên, những người thuận tay trái thông minh hơn. Đó là kết luận của một nghiên cứu mới nhất do các chuyên gia Viện nghiên cứu khoa học tiến hoá Montpellier của Pháp thực hiện. Theo nghiên cứu này thì nhóm người thuận tay trái tồn tại là do có ưu thế tiến hoá. Đồng thời, tay phải của những người thuận tay trái cũng rất linh hoạt, thậm chí hai tay đều linh hoạt ngang nhau. Nếu trong gia đình có cả bố lẫn mẹ đều thuận tay trái, tỷ lệ con cái sinh ra cũng sẽ thuận tay trái tới 50%, ở những gia đình cả bố mẹ đều thuận tay phải thì tỷ lệ con cái thuận tay trái chỉ có 2%.
- Móng tay mọc nhanh nhất là ngón tay giữa.
- Trứng của cơ thể người phụ nữ là tế bào lớn nhất còn ở đàn ông tinh trùng là lại tế bào nhỏ nhất của cơ thể.
- Trẻ sơ sinh ra đời có tới 300 xương khác nhau trong khi đó người lớn chỉ có 206 xương.
- Khi di chuyển, cơ thể chúng ta sử dụng tới 200 cơ quan khác nhau cho một bước đi.
- Bàn chân của con người có thể sản xuất 1 pint (0,47 lít) mồ hôi mỗi ngày.
- Cứ 27 ngày, da con người lại thay mới một lần, trên 90% bệnh tật mà con người mắc phải là do stress. Rất đa dạng, như stress áp lực công việc, vì hôn nhân, tình yêu, vì gánh nặng gia đình con cái, vì thua kém bạn bè, vì ganh đua nơi làm việc...
Các tế bào thần kinh có chức năng lưu trữ ký ức về thời gian trong não.
Những tiến bộ trong lĩnh vực phẫu thuật, cấy ghép
- Năm 1954, lần đầu tiên cấy ghép thận thành công cho Richard Herrick, 23 tuổi, hiến thận cho người em trai song sinh của mình là Ronald. Họ là anh em song sinh giống hệt nhau về mặt di truyền học, vì vậy đã không có bất cứ vấn đề đào thải nào xảy ra.
- Năm 1966: Cấy ghép ca tụy thành công đầu tiên
- Năm 1967: Thực hiện thành công hai ca phẫu thuật tim và gan.
- Năm 1983: Thực hiện thành công ca phẫu thuật phổi.
- Năm 1998: Phẫu thuật thành công nối bàn tay.
- Năm 2005: Phẫu thuật cấy ghép một phần mặt cho người bệnh thành công.
- Năm 2008: Thực hành thành công ca phẫu thuật đầu tiên cấy ghép cả cánh tay cho con người. Đó là ca phẫu thuật do các chuyên gia ở Đại học Munich, Đức thực hiện, ghép thành công hai cánh tay cho ông Karl Merk, 54 tuổi, người bị mất cả hai tay trong một tai nạn khi mới 6 tuổi. Chỉ hai tháng sau cuộc phẫu thuật, Karl Merk đã có thể tự mở cửa và bật tắt đèn bằng chính đôi tay mới của mình. Cũng trong năm 2008, ca phẫu thuật cấy ghép thành công khí quản bằng cách dùng chính tế bào gốc của người bệnh, đưa một "giàn giáo" khí quản vốn là một bộ phận hiến tặng kết hợp với các tế bào gốc của một cậu bé bị mắc căn bệnh liên quan đến hô hấp. Ca phẫu thuật thực hiện tại Bệnh viện Great Ormond Street ở London (Anh) vào ngày 15/3/2010. Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể thở và nói chuyện một cách bình thường. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử con người thực hiện thành công ca cấy ghép nội tạng bằng cách dùng chính tế bào gốc của cơ thể người bệnh.