Việt Nam thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn xe khách làm nhiều người tử vong. Nguyên nhân chủ yếu là do va chạm hoặc người điều khiển mất kiểm soát. Để sống sót trong những trường hợp này phụ thuộc vào nhiều yếu tố may mắn. Song việc chuẩn bị tâm lý trước, không chủ quan, đồng thời trang bị những kĩ năng sinh tồn trong tình huống khẩn cấp cũng giúp hạn chế phần nào thương vong.
1. Chọn chỗ ngồi an toàn
Đối với xe con, vị trí an toàn nhất là chính giữa ghế sau.
Đối với xe khách, vi trí ngồi an toàn nhất là ở giữa xe, khu vực gần cửa chính.
Khi đi xe, cần lựa chọn loại phương tiện chất lượng, không chở quá tải. Không nên để vật dụng nặng hay thủy tinh, vật nhọn ở xung quanh bởi chúng có thể là nguyên nhân gây ra chấn thương nghiêm trọng khi phanh gấp hoặc va chạm.
Những vị trí an toàn cho bạn khi đi xe khách thường là những vị trí giữa xe hoặc ngồi gần cửa lên xuống. Ở vị trí này, bạn sẽ không bị tác động quá lớn khi xe gặp tai nạn, việc thoát hiểm cũng dễ dàng hơn.
Nếu bạn ngồi gần vị trí cửa sổ hay cuối xe thì nguy cơ bạn bị chấn động sẽ rất lớn khi xe gặp tai nạn.
2. Tìm cách thoát hiểm
Búa phá kính trong những trường hợp khẩn cấp.
- Khi đi xe khách bạn, nếu để ý bạn sẽ thấy trong xe bao giờ cũng trang bị búa phá kính trong những trường hợp khẩn cấp. Quan sát tình hình, nếu không thể thoát ra ngoài bằng cửa chính, bạn sẽ cần ra ngoài bằng cách phá vỡ cửa sổ đó.
- Nếu như có búa thoát hiểm, bạn có thể dễ dàng dùng nó để phá kính thoát ra ngoài. Còn nếu trường hợp không có búa thoát hiểm thì bạn hãy tìm ngay một vật dụng gì đó có độ cứng có thể phá vỡ được lớp kính như bình cứu hỏa.
- Hãy nhanh chóng tìm đường thoát hiểm bằng mọi cách, bỏ lại mọi tư trang, hành lí. Đừng phí thời gian trong những thời khắc sinh tử ấy.
- Nếu có thể, hãy dùng những vật dụng mềm có sẵn trên xe như chăn, gối, quần áo để quấn quanh vùng cổ và đầu. Như thế, khi xảy ra va chạm, khả năng sống sót rất cao. Sau đó hãy tìm cách thoát khỏi hiện trường càng xa càng tốt để tránh trường hợp phương tiện bốc cháy hoặc nổ. Nếu bị thương, có thể gọi số điện thoại cấp cứu y tế 115 để nhờ hướng dẫn cách sơ cứu tại chỗ.
3. Ngồi đúng tư thế
Khi ngồi trên xe ô tô, không nên ngả ghế về phía sau quá nhiều.
Người ngồi trên ghế ôtô cần phải có tư thế phù hợp, không nên ngả ghế về phía sau quá nhiều. Trong trường hợp khẩn cấp nghe thông báo xe bị mất kiểm soát, hãy chọn vị trí tránh xa thanh chắn và các vật cứng có thể gây tổn thương nếu bị va đập. Như thế sẽ giúp tránh được những chấn thương không đáng có. Đối với ghế tài xế, nên trang bị gối tựa đầu được đặt đúng vị trí giữa đỉnh tai và đỉnh đầu sẽ giúp hạn chế tổn thương ở vùng cổ, vai, gáy.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Nhân, Khoa chấn thương chỉnh hình ĐH Y Dược TP. HCM cho rằng, nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất để hạn chế thương vong cho hành khách ngồi trên ôtô khi xảy ra va chạm là gắn chặt mình vào ghế, ở tư thế cuộn tròn, cúi đầu càng thấp càng tốt, dùng tay ôm đầu để tạo thành "một khối chặt".
4. Phải thắt dây an toàn
Người ngồi trên xe thắt dây an toàn đúng cách thì tỉ lệ thương vong giảm đi rất nhiều.
Theo đánh giá của bác sĩ Nhân qua những lần cấp cứu bệnh nhân bị tai nạn giao thông, những người ngồi trên xe thắt dây an toàn đúng cách thì tỉ lệ thương vong giảm đi rất nhiều. Dây an toàn được thiết kế đặc biệt giúp tài xế cũng như hành khách đảm bảo nguyên tắc an toàn đầu tiên là "gắn chặt mình vào ghế" dễ dàng và đúng chuẩn nhất.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều người đi ôtô thường có tâm lý chủ quan, ngay cả tài xế cũng quên thắt dây an toàn hoặc chỉ cài một cách qua loa chiếu lệ. Do đó, khi xảy ra tai nạn, dây an toàn không phát huy hết tác dụng bảo vệ của nó.