Thời tiết Trái đất có thể rất khắc nghiệt, thậm chí gây chết người, nhưng ở một số nơi khác trong Hệ Mặt trời, thời tiết còn đáng sợ hơn.
Mưa axit trên sao Kim
Tàu thăm dò Akatsuki (Nhật Bản) chụp ảnh các đám mây sao Kim trong ánh sáng cực tím. (Ảnh: JAXA/ISAS/DARTS/Damia Bouic).
Mây trên sao Kim chứa axit sunfuric và chúng bao trùm cả hành tinh. Những đám mây này có thể gây ra mưa axit. Tuy nhiên, sao Kim nóng đến mức mưa axit sẽ bốc hơi khi vẫn còn cách bề mặt hàng chục km. Thêm vào đó, khí quyển sao Kim đặc đến mức áp suất trên hành tinh này sẽ giống như ở độ sâu 900 m dưới nước.
Bão rộng hơn Trái đất trên sao Mộc
Siêu bão Vết Đỏ Lớn ở phía nam sao Mộc. (Ảnh: NASA).
Hệ thống Doppler on Wheels (DOW) của Trung tâm Nghiên cứu Thời tiết Khắc nghiệt (CSWR) ghi nhận tốc độ gió cao nhất trên Trái đất là 484 km/h vào ngày 3/5/1999, thuộc về đợt gió giật kéo dài ba giây trong một cơn lốc xoáy tại thành phố Oklahoma. Nếu lấy mức trung bình hàng ngày thì kỷ lục về tốc độ gió thấp bằng khoảng 1/3, với mức 174 km/h được ghi nhận tại trạm nghiên cứu Port Martin (châu Nam Cực) vào ngày 21 và 22/3/1951. Những cơn gió này vẫn rất khiêm tốn so với gió trên các hành tinh khí khổng lồ.
Vết Đỏ Lớn là cơn bão xoáy nghịch khổng lồ trên sao Mộc, lớn đến mức có thể chứa vừa Trái đất và sao Kim bên trong mà vẫn còn chỗ trống. Nó đã tồn tại ít nhất 200 năm, thậm chí có thể lâu đời gần gấp đôi con số đó. Gió trong Vết Đỏ Lớn có thể dễ dàng đọ sức với những cơn gió trong trận lốc xoáy mạnh nhất Trái đất, còn ở rìa ngoài, sức gió có thể đạt mức 450 km/h.
Mô phỏng bão trên sao Mộc. (Video: NASA).
Gió siêu thanh trên sao Hải Vương
Để trải nghiệm những cơn gió thực sự kinh hoàng, con người cần đến sao Hải Vương. Theo ước tính của NASA, ở độ cao lớn, tốc độ gió trên sao Hải Vương có thể vượt quá 1.770 km/h. Điều này đồng nghĩa gió trên sao Hải Vương đạt mức siêu thanh. Trong khi trên Trái đất, sức gió 800 km/h đã có thể dễ dàng nhấc bổng người.
Mưa kim cương
Sao Hải Vương và sao Thiên Vương còn có một hiện tượng thời tiết kỳ lạ khác. Giới chuyên gia tin rằng trong khí quyển của hai hành tinh này, khi áp suất đủ cao, carbon biến thành kim cương và rơi xuống trung tâm hành tinh, trở thành mưa kim cương.
Sét mạnh gấp 1.000 lần trên Trái đất
Trên Trái đất, sét xuất hiện ở những đám mây tương đối thấp, nơi nước tồn tại ở cả ba trạng thái (lỏng, rắn, khí), nhưng sao Mộc không bị hạn chế như vậy. Hành tinh này có những đám mây amoniac và nước, trong đó amoniac hoạt động như một chất chống đông cho phép sét xảy ra ở độ cao lớn hơn. Trên Trái đất, các cơn giông sét phổ biến hơn rất nhiều so với trên sao Thổ và sao Mộc, nhưng tia sét cũng yếu hơn rất nhiều. Giới nghiên cứu ước tính, sét trên hai hành tinh khí khổng lồ này có thể mạnh gấp 1.000 lần so với sét trên Trái đất.
Các hiện tượng liên quan đến sét trên sao Mộc cũng rất ấn tượng khi quan sát dưới ánh sáng cực tím. Các nhà khoa học hành tinh từng phát hiện sét dị hình sprite bay lên từ đỉnh mây của hành tinh này. Trên Trái đất, sét dị hình sprite là những tua sáng dài màu đỏ trông giống con sứa. Chúng xuất hiện khi sét tạo ra một trường chuẩn tĩnh điện ở độ cao lớn.