Các nhà thiên văn học Mỹ cho rằng quầng sáng hồng ngoại bí ẩn chạy ngang bầu trời đêm có thể liên quan đến những ngôi sao bị cô lập nằm ngoài biên giới các thiên hà.
Những quầng sáng nơi góc xa vũ trụ luôn là điều bí ẩn đối với các nhà khoa học Trái đất
Trưởng nhóm Asantha Cooray của Đại học California ở Irvine (Mỹ) cho hay quầng sáng hồng ngoại trên nền trời đêm lâu nay vẫn là một bí ẩn lớn chưa có lời đáp.
Tuy nhiên, sau khi phân tích dữ liệu thu được từ kính thiên văn không gian Spitzer của NASA, có lẽ những ngôi sao trên từng thuộc về các thiên hà nào đó trước khi những cuộc sáp nhập đầy bạo lực đã quẳng chúng khỏi ngôi nhà quen thuộc.
“Chúng tôi có chứng cứ mới cho thấy ánh sáng trên thuộc về những ngôi sao đang lay lắt trong không gian giữa các thiên hà. Nếu đứng riêng lẻ, chúng quá yếu để có thể thấy được từ Trái đất, nhưng cảnh tượng mà chúng ta thấy được chính là ánh sáng tập hợp của chúng”, theo chuyên gia Cooray.
Để rút ra kết luận trên, các chuyên gia sử dụng Spitzer nghiên cứu một góc trời rộng, với vòng cung tương đương đường kính của 50 lần trăng tròn ghép lại, theo chuyên san Nature.
Các chuyên gia cho biết sẽ thực hiện thêm cuộc nghiên cứu mới, lần này bằng kính viễn vọng quang học Hubble, để xác định liệu dự đoán trên có chính xác hay không.