Những nơi không thể bỏ qua nếu bạn đến sao Hỏa trong tương lai

Sao Hỏa có núi lửa cao chót vót bên cạnh những thung lũng sâu thẳm, nhiều địa điểm kỳ vỹ cho những chuyến khám phá trong tương lai.


Hình minh họa một nhà du hành trên sao Hỏa. (Ảnh: Victor Habbick Visions/Getty Images).

Sao Hỏa là một hành tinh có địa hình đa dạng và rất trái ngược nhau với núi cao, thung lũng sâu và những hố va chạm có thể có nước, một nơi cực kỳ hấp dẫn cho khách du lịch tham quan, chừng nào chúng ta có thể chinh phục Hành tinh Đỏ.

1. Núi Olympus


(Ảnh: NASA/MOLA Science Team).

Núi Olympus là ngọn núi cao nhất trong Hệ Mặt trời. Nó nằm ở khu vực núi lửa Tharsis, nơi đây rộng khoảng 295.000 km².

Núi Olympus cao khoảng 25 km, gấp gần 3 lần chiều cao của núi Everest trên Trái Đất. Olympus là núi lửa hình khiên khổng lồ, có miệng núi tạo thành một vùng bằng phẳng rộng khoảng 85 km, hình thành sau khi dung nham tuôn trào xuống sườn núi. Độ dốc chỉ 5% nên khách tham quan có thể leo lên được.

2. Khu vực núi lửa Tharsis


(Ảnh: NASA/JPL).

Nếu bạn đến Núi Olympus thì cũng nên kết hợp tham quan các ngọn núi lửa khác ở Khu vực núi lửa Tharsis. Ở đây có 12 ngọn núi lửa khổng lồ trên vùng đất trải dài khoảng 4.000 km.

Cũng giống như Núi Olympus, những ngọn núi này to lớn hơn nhiều các núi trên Trái Đất, có lẽ là vì lực hấp dẫn trên sao Hỏa yếu hơn nên các ngọn núi không bị sức nặng kéo xuống và có thể mọc cao hơn. Những ngọn núi này đã phun trào từ cách đây 2 tỷ năm, tức là bằng khoảng ½ chiều dài lịch sử sao Hỏa.

3. Thung lũng Marineris


(Ảnh: NASA)

Sao Hỏa không chỉ là nhà của ngọn núi lửa cao nhất Hệ Mặt trời mà còn của hẻm núi lớn nhất.

Thung lũng Marineris chạy dài khoảng 3.000 km, tức là hơn 4 lần Hẻm núi Lớn ở Mỹ. Các nhà khoa học chưa biết rõ Thung lũng Marineris hình thành như thế nào, nhưng có một vài nhận định về việc này.

Đa số các nhà khoa học cho rằng quá trình hình thành khu vực núi lửa Tharsis đã góp phần tạo nên Thung lũng Marineris. Dung nham chảy qua vùng núi lửa đã đẩy lớp vỏ lên cao, làm vỡ lớp vỏ thành những đứt gãy ở các khu vực khác. Theo thời gian, những đứt gãy này trở thành Thung lũng Marineris.

4. Cực Bắc và Cực Nam


(Ảnh: NASA/JPL/USGUS).

Hai nơi đóng băng trên sao Hỏa là Cực Bắc và Cực Nam. Bức ảnh trên là Cực Bắc, đã được tàu đổ bộ Phoenix khám phá tận nơi vào năm 2008, còn Cực Nam mới chỉ được tìm hiểu qua quan sát bằng tàu vệ tinh.

Vào mùa đông, nhiệt độ ở hai cực lạnh đến mức carbon dioxide ngưng tụ trong khí quyển thành băng đóng trên bề mặt. Ngược lại, vào mùa hè, carbon dioxide tan ra và bay lên không trung, carbon dioxide ở bán cầu bắc hoàn toàn biến mất, để lại một lớp băng nước, nhưng ở bán cầu nam thì một phần băng carbon dioxide vẫn còn.

Sự thay đổi về tình trạng của băng có tác động lớn đến khí hậu sao Hỏa, tạo nên gió và các hiện tượng khác.

5. Hố va chạm Gale và Núi Sharp


(Ảnh: NASA/JPL-Caltech/ASU).

Sau chuyến hạ cánh của tàu thám hiểm Curiosity vào năm 2012, Hố va chạm Gale trở nên nổi tiếng cùng với thông tin có nhiều bằng chứng về sự có mặt của nước ở khu vực này xưa kia.

Hiện nay, tàu Curiosity đang leo lên đỉnh Núi Sharp để quan sát các đặc điểm địa chất trong từng tầng của ngọn núi này. Một phát hiện thú vị của tàu Curiosity là khu vực này có các phân tử hữu cơ phức tạp và nồng độ methane trong khí quyển thay đổi theo mùa. Methane là một nguyên tố có thể do các vi sinh vật thải ra, vì thế việc có mặt loại khí này là một trong những bằng chứng của tồn tại sự sống.

6. Thành hệ Medusae Fossae


(Ảnh: ESA).

Thành hệ địa chất Medusae Fossae là một trong những địa điểm lạ lùng nhất trên sao Hỏa. Một số người còn suy đoán rằng ở đây có bằng chứng của một vụ va chạm với vật thể bay không xác định (UFO).

Các quan sát khoa học nhận định nơi đây có thể là nơi tập trung của trầm tích núi lửa. Theo thời gian, gió đã bào mòn các khối đá thành những hình thù lạ mắt.

Nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy sự hình thành núi lửa ở đây diễn biến qua thời gian hơn 500 triệu năm. Những vụ phun trào núi lửa trong thời gian đó đã làm khí hậu sao Hỏa nóng lên, do các khí nhà kính sinh ra từ núi lửa bốc lên khí quyển.

7. Vệt đen theo mùa ở Hố va chạm Hale


(Ảnh: NASA/JPL-Caltech/Univ. of Arizona).

Trên sao Hỏa còn có một nơi vô cùng kỳ lạ. Nơi đây vào mùa nóng, xuất hiện những vệt lõm chạy dọc theo sườn dốc. Thật khó để giải thích vì sao những vệt này lại xuất hiện.

Bức ảnh trên được chụp ở Hố va chạm Hale, phân tích hình ảnh cho thấy có dấu hiệu của nước. Có một vài giả thuyết giải thích cho sự xuất hiện của nước ở đây nhưng để trả lời chính xác thì cần có khảo sát tại chỗ.

Tuy vậy, việc này gặp phải một trở ngại, đó là nếu ở đây thực sự có nước và là nơi sinh sống của các vi sinh vật ngoài hành tinh thì chúng ta không nên tiếp cận quá gần để tránh nguy cơ lây nhiễm.

8. Đồi cát Ma ở Mê cung Bóng đêm và Lưu vực Hellas


(Ảnh: NASA/JPL-Caltech/Univ. of Arizona).

Sao Hỏa là một hành tinh có hình thù trên bề mặt chủ yếu do gió ngày nay tạo nên, bởi vì nước đã bốc hơi hết từ xưa. Tuy vậy, chúng ta vẫn nhận ra rất nhiều bằng chứng của nước thời xa xưa, ví dụ như khu vực Đồi cát Ma ở Mê cung Bóng đêm và Lưu vực Hellas.

Các nhà nghiên cứu cho biết những nơi này xưa kia có những ngọn đồi cao hàng chục mét, nhưng về sau những ngọn đồi này bị chìm ngập trong nước hoặc dung nham nên chỉ còn lại phần chân còn phần ngọn đã bị bào mòn.

Những đồi cát này cho thấy gió trên sao Hỏa cổ đại hoạt động ra sao, và các nhà khí hậu học dựa vào đó để suy luận ra môi trường cổ đại ở đây, họ còn nghi ngờ rằng có thể có vi khuẩn ẩn mình trong những đồi cát được che chắn này nên chúng tránh được bức xạ và không bị gió cuốn đi.

Cập nhật: 16/08/2024 Dân Trí
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video