Robot Trung Quốc đương đầu với mùa đông sao Hỏa như thế nào?

Các kỹ sư chuẩn bị nhiều biện pháp giúp robot Chúc Dung vượt qua mùa đông sao Hỏa dài 6 tháng, nhiều bão cát với mức nhiệt -100 độ C.

Chúc Dung, robot Trung Quốc hoạt động trên sao Hỏa, đã sẵn sàng đương đầu với mùa đông trên hành tinh này, CGTN hôm 3/5 đưa tin. Vào mùa đông, nhiệt độ ban đêm trên sao Hỏa có thể xuống dưới -100 độ C với khả năng cao xảy ra bão cát. Bên cạnh đó, mùa đông tại đây còn kéo dài tương đương 6 tháng trên Trái đất. Môi trường khắc nghiệt này đặt ra những thách thức to lớn cho Chúc Dung.


Mô phỏng robot Chúc Dung hoạt động trên sao Hỏa. (Ảnh: China Media Group)

Để đối phó với những cơn bão cát thường xuyên xảy ra vào mùa đông và giúp robot hoạt động an toàn, các kỹ sư đã phát triển Chúc Dung với khả năng chịu nhiệt độ thấp, chống cát, đảm bảo nguồn điện và những khả năng khác.

"Đầu tiên, các tấm pin lắp đặt trong "bộ cánh" năng lượng Mặt trời được làm từ vật liệu đặc biệt gọi là vật liệu siêu kỵ nước. Giống như cách lá sen khiến những giọt nước trượt đi, vật liệu này giúp bụi dễ bị cuốn bay hơn", Peng Song, phó giám đốc thiết kế tàu thăm dò Thiên Vấn 1, cho biết. Thiên Vấn 1 là tàu vũ trụ đưa Chúc Dung bay lên sao Hỏa vào tháng 5/2021.

Các cánh năng lượng Mặt trời của Chúc Dung cũng có khả năng theo dõi hướng Mặt trời, cho phép chúng dịch chuyển khi Mặt trời mọc giống như hoa hướng dương, nhờ đó tối đa hóa năng lượng hấp thụ bất chấp góc Mặt trời thấp vào mùa đông.

Biện pháp thứ ba giúp Chúc Dung đối phó với mùa đông là tiết kiệm và giảm tiêu thụ năng lượng bằng cách thay đổi mô hình hoạt động trong thời tiết nhiều gió và cát.

Theo Peng, nếu cả ba biện pháp trên không giải quyết được vấn đề năng lượng, robot sẽ tiến vào trạng thái ngủ cho đến lúc bụi tan hết. Khi đó, nó sẽ tự động thức dậy và tiếp tục hoạt động.

Hai bức ảnh selfie của Chúc Dung ngày 19/5/2021 và 22/1/2022 cho thấy bụi bắt đầu bao phủ bề mặt robot theo thời gian. "Đến nay, mọi thứ đều có vẻ an toàn và ổn định. Tuy nhiên bụi có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất điện của các cánh năng lượng Mặt trời. Bụi làm giảm hiệu quả phát điện, từ đó dẫn đến thiếu năng lượng", Peng nói.

Để tạo ra đủ năng lượng cho Chúc Dung, nhóm chuyên gia đã thiết kế các cánh năng lượng Mặt trời đủ lớn để hấp thụ nhiều năng lượng hơn. "Đến thời điểm này, việc hấp thụ, lưu trữ và cung cấp năng lượng của robot đã đáp ứng được những mong đợi về thiết kế ban đầu của chúng tôi. Đối với mùa đông khắc nghiệt sắp tới, chúng tôi đã chuẩn bị các kế hoạch tương ứng và chiến lược phù hợp", Zhang Rongqiao, thiết kế trưởng của nhiệm vụ Thiên Vấn 1, chia sẻ.

Tính đến ngày 1/5, robot Chúc Dung đã hoạt động 342 ngày sao Hỏa và đi hơn 1.900 m về phía nam từ điểm hạ cánh ở Utopia Planitia - đồng bằng rộng lớn ở bán cầu bắc của hành tinh đỏ.

Cập nhật: 04/05/2022 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video