Những sự kiện khoa học đáng chú ý nhất năm 2017

Năm 2017 hứa hẹn mang lại nhiều thành tựu khoa học mới trong các lĩnh vực như thám hiểm không gian, vật lý, công nghệ sinh học và y tế.

Thám hiểm không gian

Năm 1997, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), NASA và Cơ quan Vũ trụ Italy (ASI) phóng tàu vũ trụ Cassini để nghiên cứu sao Thổ, hành tinh khí khổng lồ trong hệ Mặt Trời. Tàu vũ trụ Cassini không chỉ giúp giới khoa học chụp ảnh sao Thổ, nó còn cung cấp nhiều dữ liệu khác về các vệ tinh của hành tinh này.


Tàu vũ trụ Cassini nghiên cứu sao Thổ. (Ảnh: NASA).

Tháng 12/2016, tàu Cassini bắt đầu nhiệm vụ bay lướt qua vành đai sao Thổ. Sau đó, nó sẽ tiến vào vành đai ngoài của sao Thổ khoảng 20 lần, mỗi lần 7 ngày cho tới tháng 4/2017 để quan sát một số vệ tinh nhỏ, đồng thời lấy mẫu phân tử và chất khí tại vành đai để phân tích. Tháng 9/2017, tàu Cassini dự kiến lao vào bầu khí quyển sao Thổ và ngừng hoạt động sau khi gửi toàn bộ dữ liệu quan trọng về Trái Đất.

Trong năm 2017 tàu vũ trụ Juno của NASA đang bay quanh quỹ đạo sao Mộc cũng sẽ tiếp tục gửi thêm những hình ảnh ngoạn mục về hành tinh này.

Tàu vũ trụ Juno được trang bị nhiều công cụ khoa học hiện đại. Nó có nhiệm vụ quét hồng ngoại để đo bức xạ nhiệt phát ra từ sâu trong bầu khí quyển sao Mộc. Juno sẽ lập bản đồ từ trường và thăm dò phía sau vùng khí quyển hỗn loạn của hành tinh này để tìm dấu hiệu của lõi đặc bên trong.


Tàu vũ trụ Juno tiếp cận sao Mộc. (Ảnh: NASA).

Tháng 2/2017, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) sẽ phóng vệ tinh CHEOPS để tìm kiếm ngoại hành tinh. CHEOPS được trang bị máy ảnh có độ phân giải cao, cho phép giới khoa học phân tích kỹ hơn về các thiên thể phát hiện được.

Đến cuối năm sau, NASA dự kiến phóng vệ tinh TESS để quét toàn bộ bầu trời bằng 4 máy ảnh, nhằm tìm kiếm các hành tinh bay xung quanh những ngôi sao sáng nhất ngoài hệ Mặt Trời. NASA hy vọng TESS sẽ phát hiện hơn 3.000 ngoại hành tinh, từ hành tinh khí khổng lồ cho đến hành tinh đá kích thước nhỏ.


Hình minh họa vệ tinh TESS của NASA. (Ảnh: NASA).

Năm 2017 là năm cuối cùng trong cuộc chạy đua giành giải thưởng Lunar X Prize do Google tài trợ. Đây là cuộc thi nhằm khuyến khích các nhóm nghiên cứu có vốn tài trợ tư nhân tiếp cận và thăm dò không gian. Nhiệm vụ của các nhóm tham gia là đưa robot thăm dò lên Mặt Trăng, di chuyển 500 m và quay lại video với độ nét cao. Đội đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ sẽ nhận giải thưởng 20 triệu USD.


Robot thăm dò của Nhật Bản dự kiến tham dự cuộc thi Lunar X Prize của Google. (Ảnh: Ispace Inc).

Thiên văn học

Hiện tượng nhật thực toàn phần hiếm có sẽ diễn ra vào ngày 21/8/2017, lần đầu tiên kéo dài từ bờ biển phía đông sang bờ biển phía tây nước Mỹ trong 99 năm qua. Hiện tượng nhật thực một phần có thể được quan sát ở các khu vực khác của Bắc Mỹ, Hawaii và một số vùng phía bắc Nam Mỹ.


Đường đi của nhật thực toàn phần tại Mỹ vào ngày 21/8/2017. (Ảnh: NASA).

Các nhà khoa học trong năm tới sẽ sử dụng Kính thiên văn Chân trời Sự kiện (Event Horizon Telescope) để quét khu vực trung tâm dải Ngân Hà. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh đầu tiên của lỗ đen siêu lớn mang tên Sagittarius A ở trung tâm dải Ngân Hà.

Trong năm 2017, giới khoa học hy vọng sẽ tìm ra lời giải đáp cho bí ẩn về ngôi sao KIC 8462852, hay còn gọi là "Ngôi sao Tabby", cách Trái Đất khoảng 1.500 năm ánh sáng. Tháng 11/2015, các nhà nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania, Mỹ, nhận thấy hơn 20% ánh sáng của ngôi sao bị một vật rất lớn cản lại. Nhiều người cho rằng nền văn minh tiên tiến ngoài hành tinh xây dựng cấu trúc khổng lồ quanh ngôi sao để khai thác năng lượng của nó.


FAST là kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới. (Ảnh: Xinhua).

Các nhà thiên văn Trung Quốc cũng sẽ sử dụng Kính viễn vọng Hình cầu Khẩu độ 500m (FAST) lớn nhất thế giới để nghiên cứu ẩn tinh và thiên thể khác trong vũ trụ. FAST được hoàn thành năm 2016 tại vùng lòng chảo đá vôi thuộc huyện Bình Đường, tỉnh Quý Châu. Nó có thể phát hiện tín hiệu vô tuyến và dấu hiệu của sự sống từ những hành tinh xa xôi trong vũ trụ.

Vật lý

Trong nửa đầu năm 2017, Trạm quan sát Sóng hấp dẫn bằng tia laser giao thoa (LIGO) tại Mỹ sẽ được sử dụng để phát hiện thêm dấu vết sóng hấp dẫn trong vũ trụ. Sóng hấp dẫn, những gợn sóng không gian - thời gian tạo ra khi hai lỗ đen va chạm với nhau, được LIGO phát hiện lần đầu tiên vào tháng 9 và tháng 12/2015. Thiên tài Alber Einstein đã dự đoán về sự tồn tại của sóng hấp dẫn từ năm 1916.


Sóng hấp dẫn là kết quả từ hai siêu lỗ đen va vào nhau. (Ảnh: NASA).

Tháng 6/2017, NASA dự kiến đưa Phòng thí nghiệm Nguyên tử Lạnh (CAL) lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). CAL có nhiệm vụ nghiên cứu hành vi của các khí lượng tử (quantum gas) siêu lạnh trong môi trường không trọng lực, giúp các nhà khoa học quan sát quan sát hiện tượng lượng tử mới và kiểm tra một số định luật cơ bản nhất của vật lý.

Năm 2017, Đại học Washington, Mỹ, sẽ tiến hành Thí nghiệm Vật chất Tối Axion (ADMX) để săn lùng các hạt giả thuyết axion, một ứng viên tiềm năng cho vật chất tối. Vật chất tối chiếm khoảng 85% vũ trụ, nó không tương tác với quang phổ điện từ nên vô hình trước công cụ quan sát hiện nay của con người.

Công nghệ sinh học và y tế

Các nhà di truyền học sẽ tiếp tục sử dụng công cụ chỉnh sửa gene CRISPR để làm biến đổi đặc điểm di truyền của động vật, thực vật như mong muốn, đồng thời tìm kiếm cách thức mới để chữa trị bệnh như ung thư và HIV.


Các nhà khoa học Trung Quốc sử dụng công cụ chỉnh sửa gene CRISPR/Cas9 để tạo ra phôi thai kháng virus HIV. (Ảnh: Yorgos Nikas).

Năm 2017, muỗi biến đổi gene nhiều khả năng được dùng để kiểm soát sự lây lan của các bệnh do virus gây ra như Zika và sốt xuất huyết. Các nhà khoa học sẽ tìm hiểu thêm về tác hại và cách thức lan truyền của virus Zika, cũng như bắt đầu xem xét kết quả thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ngừa virus Zika trên người.

Năm 2017 cũng là thời điểm chúng ta sử dụng thuốc kháng sinh trên động vật trong trang trại nhiều hơn con người. Điều này có thể làm cho vi khuẩn ngày càng kháng thuốc, khiến việc điều trị bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn trở nên khó khăn hơn.

Một nhóm nghiên cứu quốc tế dự định sản xuất men tổng hợp đầu tiên trên thế giới vào năm sau. Loại men này có thể dùng để chế tạo thuốc và nhiên liệu sinh học.

Cập nhật: 30/12/2016 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video