10 sự kiện khoa học nổi bật nhất năm 2016

Năm 2016 đánh dấu nhiều thành tựu rực rỡ trong các lĩnh vực khảo cổ, vật lý, thiên văn, y học, tạo nên những cột mốc khoa học đáng nhớ.

Phát hiện sóng hấp dẫn


Sóng hấp dẫn là kết quả từ hai siêu lỗ đen va vào nhau. (Ảnh: NASA).

Việc các nhà khoa học phát hiện ra dấu vết của sóng hấp dẫn có thể coi là sự kiện lịch sử trong lĩnh vực vật lý năm 2016. Sóng hấp dẫn, những gợn sóng lăn tăn giữa không gian - thời gian tạo ra bởi sự sáp nhập của hai hố đen được ghi nhận bởi Trạm quan sát Sóng hấp dẫn bằng tia Laser giao thoa LIGO hồi tháng 2.

Sóng hấp dẫn thu được là hệ quả của sự va chạm giữa hai siêu lỗ đen. Các nhà khoa học ở LIGO ước tính khoảng 1,3 tỷ năm về trước, hai hố đen va chạm ở tốc độ bằng một nửa vận tốc ánh sáng. Sóng hấp dẫn xuyên qua mọi vật thể và băng qua vũ trụ trước khi đến Trái Đất.

Cỗ máy bảo vệ bên trong kim tự tháp


Cỗ máy bảo vệ làm chùn bước những kẻ muốn xâm nhập vào kim tự tháp Ai Cập. (Ảnh: Science Channel).

Mark Lenher, nhà Ai Cập học, sử dụng công nghệ kỹ thuật số để tái hiện hệ thống phòng thủ bên trong Đại kim tự tháp Giza, Ai Cập. Mô hình này xuất hiện trong loạt phim Khai quật (Unearthed) trên kênh truyền hình Khoa học Mỹ năm 2016.

Theo kết quả nghiên cứu, bao quanh phòng của nhà vua bên trong kim tự tháp là những khối đá dày khoảng 80 m. Nhận thấy lối đi chưa được bảo vệ an toàn, thợ xây dựng khắc các rãnh ngay bên ngoài lối vào phòng, ẩn bên dưới tường kim tự tháp. Sau đó, họ đặt những phiến đá granite khổng lồ vào các rãnh, chúng sẽ chặn đứng đường đi của bất kỳ ai muốn tiến sâu vào kim tự tháp.

Ba khối đá granite rơi xuống một lối đi để chặn đường vào phòng nhà vua bên trong kim tự tháp.

Phát hiện "bản sao" Trái Đất


Hành tinh Proxima b có nhiều đặc điểm giống Trái Đất. (Ảnh: ESO).

Tháng 9/2016, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) công bố phát hiện về Proxima b và nhận định đây là ngoại hành tinh đầu tiên mà con người có thể gửi robot thăm dò tới trong tương lai. Hành tinh quay quanh ngôi sao mẹ Proxima Centauri cách hệ Mặt Trời 4 năm ánh sáng.

Proxima b ở gần ngôi sao mẹ hơn 5% so với Trái Đất và chỉ mất 11,2 ngày để hoàn thành một vòng quỹ đạo. Hành tinh này nằm trong khu vực cho phép nước lỏng tồn tại trên bề mặt và do đó có điều kiện phù hợp hỗ trợ sự sống phát triển.

2016 có thể là năm nóng nhất trong lịch sử


Năm 2016 có nền nhiệt độ cao kỷ lục. (Ảnh: Wordpress).

Theo bản báo cáo phát hành hôm 14/11 của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), nhiệt độ trung bình toàn cầu 9 tháng đầu năm 2016 tăng lên 1,2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, cao hơn 0,11°C so với kỷ lục nhiệt độ thiết lập vào năm ngoái và cao hơn 0,88°C so với nhiệt độ trung bình 14°C trong giai đoạn 1961-1990.

Các nhà khoa học ước tính khả năng năm 2016 sẽ trở thành năm nóng nhất trong lịch sử là 90%. Nguyên nhân có thể do tác động của hiện tượng El Nino, nhưng yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy nhiệt độ không ngừng gia tăng là lượng khí thải CO2.

Nhà máy điện Mặt Trời lớn nhất thế giới


Nhà máy điện Mặt Trời lớn nhất thế giới ở Ấn Độ. (Ảnh: Aljazeera).

Cuối tháng 11, Ấn Độ công bố hình ảnh về Dự án Điện Mặt Trời Kamuthi, giúp mọi người có thể quan sát toàn cảnh nhà máy điện năng lượng Mặt Trời lớn nhất thế giới tại Kamuthi, bang Tamil Nadu, Ấn Độ.

Nhà máy điện Mặt Trời nói trên được xây dựng chỉ trong 8 tháng với tổng kinh phí 679 triệu USD. Nhà máy gồm 2,5 triệu tấm pin Mặt Trời, bao phủ diện tích hơn 10,36 km2. Công suất hoạt động của nó lên tới 648 MW, đủ khả năng cấp điện cho 150.000 hộ gia đình. Đây là một bước tiến lớn của Ấn Độ nhằm đưa năng lượng Mặt Trời tiếp cận tới nhiều người dân hơn.

Thành phố cổ đại ở Angkor Wat, Campuchia


Các nhà khảo cổ phát hiện tàn tích của thành phố cổ đại bao quanh khu phức hợp đền thờ Angkor Wat ở Campuchia. (Ảnh: Tan Chhin Sothy).

Khu phức hợp đền thờ Angkor Wat, Campuchia được xây dựng từ năm 1113 đến năm 1150 là một trong những di tích tôn giáo lớn nhất thế giới. Tháng 6/2016, giới khoa học phát hiện một mạng lưới thành phố cổ xung quanh những tàn tích của khu phức hợp. Các nhà nghiên cứu sử dụng tia laser để thăm dò từ trên cao và tìm ra nhiều cảnh quan thành phố có niên đại từ thế kỷ 12 bên dưới khu rừng nhiệt đới.

Công nghệ thụ tinh "3 bố mẹ"


Em bé đầu tiên trên thế giới chào đời từ một cha hai mẹ. (Ảnh: New Scientist).

Tháng 4/2016, đứa trẻ đầu tiên ra đời bằng công nghệ đang gây tranh cãi này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong cuộc cách mạng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hiện nay.

Công nghệ này được phát triển dựa trên nền kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, kết hợp ADN của cha mẹ với cơ thể khỏe mạnh của một phụ nữ hiến tặng, cho ra đời bào thai từ nhiễm sắc thể của hai người phụ nữ và một người đàn ông, nhằm giảm thiểu những căn bệnh di truyền cho con cái. Các nhà khoa học tin rằng công nghệ đột phá này sẽ đem lại niềm hi vọng có con khỏe mạnh cho hàng triệu ông bố bà mẹ mang trong người các bệnh nan y di truyền.

Trí tuệ nhân tạo thắng con người


Máy tính thông minh Alpha Go của Google thắng áp đảo đương kim vô địch cờ vây thế giới. (Ảnh: Huffington Post).

Máy tính thông minh AlphaGo của Google đã thắng đương kim vô địch cờ vây thế giới Lee Se-dol với tỉ số áp đảo 4:1 hồi tháng 3 năm nay. Chiến thắng của AlphaGo đánh dấu lần đầu tiên một chương trình trí tuệ nhân tạo đánh bại một kỳ thủ cờ vây chuyên nghiệp đẳng cấp nhất thế giới. Thiết kế của AlphaGo mô phỏng lại hoạt động của bộ não con người khi giải quyết những câu đố, cho phép nó có thể tự học và trở nên thông minh hơn sau mỗi kinh nghiệm trải qua.

Giới chuyên gia từng dự đoán, AlphaGo phải mất nhiều năm nữa mới thắng được Lee Se-dol. Google cho biết sẽ ứng dụng hệ thống mạng thần kinh chuyên sâu (deep neural network) và các kỹ thuật dạy học cho máy tính mà AlphaGo dùng để chơi thành thạo cờ vây cho các lĩnh vực cấp thiết hơn, như y tế và robot.

Phát hiện và chống lại Zika


Virus Zika là thủ phạm gây ra dị tật đầu nhỏ cho nhiều trẻ em. (Ảnh: Kateryna Kon/Science Photo Library).

Các nhà khoa học và chuyên gia về lây nhiễm đang đối diện với một trận chiến lớn khi phát hiện virus Zika là thủ phạm gây ra căn bệnh đầu nhỏ lan rộng ở Brazil từ đầu năm 2015. Virus Zika đã nhanh chóng lan rông ra nhiều nước trên thế giới và đe dọa sức khỏe của nhiều người.

Bệnh rất nguy hiểm đối với thai phụ khi virus tấn công các mô não của thai nhi. Đây là nguyên nhân gây tật đầu nhỏ, trong đó đầu em bé nhỏ bất thường do hộp sọ bị sụp xung quanh vùng não bị teo. Những em bé may mắn không bị dị tật cũng phải chịu ảnh hưởng về khả năng thị giác và thính giác. Virus Zika cũng gây ra các tác động thần kinh ở người lớn.

Số nguyên tố lớn nhất được tìm thấy


Số nguyên tố lớn nhất bao gồm 24 triệu chữ số. (Ảnh: Wbur).

Số nguyên tố lớn nhất được tìm thấy trong năm 2016 trong dự án tìm kiếm các số nguyên tố Mersenne thông qua Internet. Số Mersenne được viết dưới dạng 2n-1 trong đó bản thân số Mersenne phải là số nguyên tố nhưng đồng thời n cũng phải là số nguyên tố. Mật mã hiện đại đòi hỏi việc sử dụng các số nguyên tố Mersenne và con số phức tạp khác để mã hóa dữ liệu.

Số nguyên tố mới được tìm thấy đang giữ kỷ lục cho số nguyên tố lớn nhất với tổng các chữ số vào khoảng 24 triệu. Cách biểu diễn duy nhất của số này dưới dạng số Mersenne là 274.207.281 - 1.

Cập nhật: 27/12/2016 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video