Những sự kiện thiên văn nổi bật nhất năm 2018

Năm 2018 là "một năm bận rộn" của ngành thiên văn học với nhiều sự kiện vui, buồn. Đặc biệt, qua những thành tựu đạt được, con người ngày càng chứng tỏ mình có khả năng chinh phục vũ trụ bao la.

Ngày 7/1: Vệ tinh Zuma mất tích

Sau khi vừa đón năm mới 2018, công ty hàng không tư nhân SpaceX của tỉ phú Elon Musk phóng tên lửa SpaceX Falcon 9 mang vệ tinh Zuma sau gần 2 tháng trì hoãn do phải kiểm tra lại về tải trọng.

Tuy nhiên chỉ 2 ngày sau, vệ tinh do quân đội Mỹ đầu tư có giá trị hàng tỉ USD đã mất liên lạc và sau 12 tháng không ai biết chính xác vị trí nó ở đâu.

Ngày 31/1: Trăng "3 trong 1"


Thế giới gọi hiện tượng trăng "3 trong 1" hiếm gặp này là "Super Blood Blue Moon". (Ảnh: REUTERS).

Thế giới gọi hiện tượng trăng "3 trong 1" hiếm gặp này là "Super Blood Blue Moon", nghĩa là siêu trăng, trăng máu, và trăng xanh diễn ra cùng thời điểm.

Cụ thể, trăng máu là tên gọi khác của hiện tượng nguyệt thực toàn phần, khi Mặt trăng dần chuyển sang màu đỏ như máu. Siêu trăng là hiện tượng trăng sáng hơn mức bình thường do vị trí giữa Mặt trăng và Trái đất gần nhất trên quỹ đạo chuyển động. Còn trăng xanh là tên gọi đặt cho hiện tượng 2 lần trăng rằm trong 1 tháng dương lịch.

Ngày 14/3: Stephen Hawking qua đời tuổi 76


Giáo sư Hawking đã dành cả một đời để giải mã các bí ẩn của vũ trụ.

Stephen Hawking (1942-2018) - nhà vật lý học thiên tài người Anh - đã dành cả một đời để giải mã các bí ẩn của vũ trụ. Trang The Guardian từng đánh giá Hawking là "ngôi sao sáng nhất trong ngành vũ trụ học hiện đại". Quyển Lược sử thời gian của ông là một trong những cuốn sách phổ thông về khoa học nổi tiếng nhất mọi thời đại.

Ngày 1/4: Trạm không gian Thiên cung 1 rơi tự do


Trạm vũ trụ này đã "hạ cánh" xuống Thái Bình Dương. (Ảnh: BBC).

Trạm không gian khổng lồ của Trung Quốc này gặp sự cố và rơi tự do chỉ sau một vài năm hoạt động. Câu hỏi về việc Thiên cung 1 sẽ rơi xuống Trái đất khi nào và ở đâu làm đau đầu các nhà khoa học nhiều tháng liền.

Cuối cùng, trạm vũ trụ này đã "hạ cánh" xuống Thái Bình Dương và không gây thương vong về người.

Ngày 25/4: Công bố bản đồ chi tiết nhất về dải ngân hà


Dải ngân hà của chúng ta nằm gần rìa của siêu chòm Laniakea. (Ảnh: ESA).

Sử dụng thông tin từ vệ tinh Gaia của cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA), các nhà khoa học đã hoàn thành tấm bản đồ 3 chiều chi tiết nhất từ trước đến nay về dải ngân hà chúng ta đang sinh sống (Milky Way).

Theo đó, dải ngân hà của chúng ta nằm gần rìa của siêu chòm Laniakea, bao gồm 100.000 thiên hà với đường kính trải dài 500 triệu năm ánh sáng.

Ngày 30/5: Bão cát kinh hoàng trên toàn sao Hỏa


Tàu thăm dò Opportunity đã phải tắt nguồn và nằm im trong một khoảng thời gian dài. (Ảnh: NASA).

Bão cát thường diễn ra theo mùa trên sao Hỏa nhưng bão vào cuối tháng 5 vừa qua là đợt lớn nhất và dài nhất.

Tàu thăm dò Opportunity đã phải tắt nguồn và nằm im trong một khoảng thời gian dài. Giờ đây, NASA đang làm mọi cách để liên lạc trở lại "nhà thám hiểm" đã hoạt động 12 năm trên sao Hỏa này nhưng vẫn chưa thành công.

Ngày 12/7: Xác định được nguồn gốc của bức xạ vũ trụ sau hơn 100 năm


Bức xạ vũ trụ đến từ nhân thiên hà hoạt động. (Ảnh: NASA).

Được giới khoa học phát hiện cách đây hơn 100 năm nhưng giữa năm 2018, bức xạ vũ trụ mới được làm sáng tỏ nguồn gốc. Theo đó, chúng đến từ nhân thiên hà hoạt động (AGN), là một vùng đặc biệt của một thiên hà được hình thành nhờ vào quá trình bồi đắp của một hố đen siêu nặng.

Khám phá giúp các nhà khoa học giải mã về một loại hạt khác ngoài ánh sáng trong vũ trụ, qua đó làm tiền đề cho các nghiên cứu sau này.

Ngày 12/8: Phóng tàu thăm dò "chạm vào Mặt trời"

Tàu thăm dò Parker trị giá 1,5 tỉ USD được NASA phóng đi mang theo hy vọng tìm hiểu về gió Mặt trời và bầu khí quyển xung quanh nó trong vòng 7 năm.

Để chịu mức nhiệt lên đến 1.400 độ C, tàu Parker được bảo vệ bởi lớp vỏ dày 11,43 cm, nhiệt độ bên trong tàu sẽ được duy trì trong khoảng 29 độ C.

Ngày 30/10: Kính thiên văn Kepler dừng hoạt động


Kính Kepler dừng hoạt động vì cạn nhiên liệu. (Ảnh: NASA).

Sau hơn 9,5 năm bay ngoài vũ trụ, quan sát 530.506 ngôi sao, phát hiện 2.622 tiểu hành tinh, Kepler đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh mở mang tầm nhìn của con người trong vũ trụ.

Khi nghỉ hưu, Kepler sẽ có thời gian bay "thong dong" xung quanh Mặt trời vĩnh viễn.

Ngày 26/11: Tàu thăm dò Insight đặt chân lên sao Hỏa

Rời bệ phóng vào tháng 5-2018, cuối tháng 11, tàu thăm dò Insight đã đến được sao Hỏa và nhanh chóng gửi về Trái đất những hình ảnh và âm thanh giá trị đầu tiên.

Nhiệm vụ của Insight là nghiên cứu về nhiệt độ, địa chất và tìm hiểu các trận động đất tiềm ẩn trong lòng sao Hỏa.

Ngày 7/12: Trung Quốc phóng tàu thăm dò vùng tối Mặt trăng


Nếu thành công, Trung Quốc sẽ là nước đầu tiên thám hiểm vùng tối Mặt trăng - (Ảnh: REUTERS).

Khởi hành từ Trung tâm phóng vệ tinh ở Tây Xương (Tứ Xuyên, Trung Quốc), tàu Hằng Nga 4 sẽ là vị khách tiếp theo đến thăm Mặt trăng vào đầu năm 2019.

Đặc biệt, Hằng Nga 4 là tàu thăm dò đầu tiên được giao nhiệm vụ thám hiểm vùng tối của Mặt trăng. Khi đến nơi, Hằng Nga 4 sẽ tiến hành các thí nghiệm thiên văn tần số vô tuyến thấp và đi tìm lời giải cho câu hỏi liệu thực vật có thể phát triển trong môi trường trọng lực trên Mặt trăng.

Cập nhật: 24/12/2018 Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video