Thiên nhiên kỳ thú và luôn tạo ra cho con người rất nhiều những bất ngờ đôi khi tưởng chừng không thể lý giải nổi. Ở rất nhiều nơi trên thế giới, người ta phát hiện ra những tảng đá có hình thù vô cùng kỳ lạ. Rất nhiều trong số chúng còn được người dân tôn thờ, đặt vào chúng những niềm tin tôn giáo rất lớn.
Những tảng đá kỳ lạ nhất hành tinh
1. Tháp Quỷ ở bang Wyoming, Mỹ
Đó là tảng đá bazan khổng lồ cao đến 280m hình thành từ nham thạch núi lửa bị gió, mưa xâm thực dần tạo thành.
Theo các nhà khoa học, trong lần phun sau cùng của núi lửa, sức đẩy lên quá yếu khiến dung nham không thoát được ra khỏi miệng núi để trào ra ngoài. Dung nham nằm ngay miệng núi lửa tạo thành một nút đậy; phải mất hàng chục năm, miếng nút đậy này nguội dần thành khối đá cứng: đá bazan. Trải qua thời gian dài, gió mưa xói mòn mảng sườn núi lửa, dần dần đến lớp dung nham nguội này. Bản chất lớp dung nham này đồng chất và hiếm khí, khi nguội đi bị xâm thực tạo ra những cột trụ hình đa giác, xếp song song với nhau thẳng đứng như chiếc đại phong cầm đặt trong giáo đường nên chúng được đặt tên là “dàn đại phong cầm bằng đá bazan”.
(Ảnh: terragalleria)
(Ảnh: lib.utexas.edu)
2. Con đường của người khổng lồ ở Ireland
Khu vực Antrim, Bắc Ireland, sừng sững hàng chục nghìn trụ đá cắm mình xuống lòng đất, trải dài ra biển. Đó là những trụ đá đa diện có 5, 6, 7 hoặc 8 mặt đã từ lâu có trong truyền thuyết của người Ireland với tên gọi “Con đường đắp cao của người khổng lồ”. Họ kể rằng chính những người khổng lồ đã xây dựng con đường này, mở một lối đi băng ngang qua biển. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và cho biết cách nay 60 triệu năm, vùng đất này là khu vực núi lửa, lớp magma từ trong lòng núi lửa trào lên qua những khe rãnh ra bên ngoài thành những lớp dày đến hàng chục mét. Chúng nguội dần qua hàng ngàn năm, tự co lại tạo nên những cột đá có tinh thể lớn mang hình đa giác, cao có thể hơn 2m. Do gần biển, những cột đá bazan rắn này bị sóng biển đánh vào, xâm thực dần, cuối cùng tạo ra những bậc thang khổng lồ hình trụ sắp xếp không theo thứ tự.
(Ảnh: gaschurman.com)
3. Nấm đá khổng lồ ở bang California, Mỹ
Với hình dạng kỳ lạ gần giống như chiếc nấm có phần dưới phẳng phiu, bóng láng trong khi phần trên sần sùi đầy góc cạnh. Khối đá kỳ lạ này nằm trong Thung lũng chết bang California (Mỹ). Gió và nước đã tham gia tạo hình cho khối đá này. Theo các nhà địa chất, ban đầu đó chính là tảng đá trầm tích, nằm rải rác đây đó trong khu vực. Với khí hậu hoang mạc, gió bốc những hạt cát trong đó có những hạt tinh thể thạch anh rất cứng đập vào khối đá, chà xát vào phần dưới của nó, có lúc gió bốc cát lên cao đến 2m, làm mài mòn, đánh bóng phần chân của khối đá; lâu ngày làm cho khối đá có hình dạng của một chiếc nấm kỳ lạ.
(Ảnh: nau.edu)
(Ảnh: dennis-jackson.me.uk)
4. Viên bi quỷ ở Úc
Người dân vùng tây nam nước Úc gọi đây là “những viên bi quỷ”. Với hình dạng hai khối đá tròn đứng trên các tảng đá nằm, trong tư thế rất cân bằng ổn định. Trên thế giới, người ta cũng có thể tìm thấy những khối đá đứng trong tư thế ổn định như thế ở nhiều nơi như ở Zimbabwe hay Hòn Chồng ở Việt Nam. Nhưng hiếm có viên đá nào được gọt đẽo tròn trịa như “những viên bi quỷ” của Úc này với tư thế đứng quá cao và nặng hơn chục tấn.
Theo các nhà khoa học, ban đầu ở lớp vỏ Trái đất trong quá trình nguội dần và dịch chuyển đã hình thành những tảng đá hoa cương khổng lồ trong lòng đất; nước thẩm thấu vào đất qua những khe nứt. Khí hậu nóng và ẩm thay đổi theo thời gian, mưa lấp đầy tạo ra những con sông, nước sông cuốn đi dần phần đất mềm, những viên đá, viên sỏi, cát, còn lại là hai tảng đá quá lớn không bị cuốn đi. Qua thời gian, hai viên đá đứng trong tư thế cân bằng bị bào mòn, nhẵn đi bởi cát và gió.
(Ảnh: anu.edu.au)
5. Những viên đá lơ lửng ở Thổ Nhĩ Kỳ
Ở khu vực Cappadoce (Thổ Nhĩ Kỳ), khu khách có thể chiêm ngưỡng những tảng đá nằm lơ lửng trên chóp những khối đá khổng lồ rất ổn định. Người dân vùng này gọi chúng là “những bước của thiên thần”.
Thoạt đầu, núi lửa phun ra một loạt nham thạch, làm nóng chảy tất cả những vật quanh sườn núi lửa, kèm theo tro và đá bắn ra. Tất cả các chất liệu này kết hợp lại theo thời gian hình thành một lớp mềm trải dài theo sườn núi. Kế đó, sự phún trào dung nham lần thứ hai, bắn theo những khối đá lớn, hình thành dòng chảy thứ hai phủ lên lớp ban đầu. Theo thời gian, mưa, sông, thác nước xói mòn lớp thứ hai này, khoét thành những rãnh, mang đi phần đất đá mềm về phía thung lũng và dòng chảy tiếp tục khoét sâu xuống cả lớp mềm ban đầu. Dần dần chỉ còn lại những tảng đá cứng khổng lồ, phía trên có mang những khối đá (có nguồn gốc từ núi lửa bắn ra). Thế là hình thành những viên đá lơ lửng – “những bước chân của thiên thần”.
(Ảnh: linternaute)
6. Trái táo đá khổng lồ tự chia đôi – New Zealand
Tại phía Nam New Zealand Công viên Quốc gia Abel Tasman có rất nhiều tảng đá thú vị, nhưng trái táo đá khổng lồ là tảng đá có hình thù thú vị nhất trong số những tảng đá ở đây, tảng đá này nằm trên mực nước biển của vịnh Tasman. Vết nứt giữa tảng đá này quá gọn gàng, sắc lẻm khiến cho người khác phải nghĩ rằng người nào đó cố tình chia nó ra bằng một lưỡi cưa.
7. Hòn Kjeragbolten
Là một hòn đá nhẵn thín nằm kẹt giữa khe nứt của hai ngọn núi trên dãy Kjerag ở Na Uy, Kjeragbolten có nghĩa là “cái then” của Kjerag. Du khách đến đây thường bạo gan đứng trên hòn đá chênh vênh, tuy nhiên chưa ai đủ can đảm vừa đứng vừa cúi mặt xuống vực sâu thăm thẳm phía dưới - 1.000 mét trước khi chạm sông băng Lysefjorden.
Ảnh: krfilm.net
8. Đá thờ
Không hiểu bằng cách nào, khối đá nặng 200 tấn có hình dáng hao hao chiếc… hambuger này có thể đứng chênh vênh trên hòn đá bé tí xíu nằm bên dưới. Cũng chính vì thế mà nó trở thành điểm tham quan hút khách nhất ở bắc Yorshire, Anh.
Ảnh: krfilm.net