Những thói quen khác biệt tạo nên thiên tài Albert Einstein

Nhiều thói quen như chợp mắt một giây, đi dạo hàng ngày, ăn mì Ý có thể đóng vai trò quan trọng giúp nhà bác học Albert Einstein tư duy.

Ngủ 10 tiếng mỗi ngày và chợp mắt một giây

Giấc ngủ tốt cho não bộ và Einstein làm theo lời khuyên này tốt hơn bất cứ ai, theo BBC. Ông ngủ ít nhất 10 tiếng mỗi ngày, gần gấp rưỡi thời gian ngủ trung bình của người Mỹ ngày nay (6,8 tiếng). Nhà văn John Steinbeck từng nói: "Một kinh nghiệm phổ biến là vấn đề khó tối hôm trước sẽ được giải quyết vào sáng hôm sau sau khi ngủ đủ giấc".

Nhiều thành tựu vĩ đại nhất trong lịch sử loài người, bao gồm bảng tuần hoàn, cấu trúc ADN và thuyết tương đối hẹp của Einstein, được cho là ra đời khi các nhà nghiên cứu ở trạng thái vô thức. Einstein nảy ra ý nghĩ về thuyết tương đối hẹp khi đang mơ về những con bò bị giật điện.

Năm 2004, các nhà khoa học ở Đại học Lubeck, Đức, kiểm tra ảnh hưởng của giấc ngủ bằng một thí nghiệm đơn giản. Đầu tiên, họ hướng dẫn tình nguyện viên chơi một trò chơi số. Phần lớn tình nguyện viên dần thông thạo cách chơi thông qua thực hành, nhưng cách nhanh nhất để chơi tốt hơn là tìm ra luật chơi ẩn. Khi các sinh viên được kiểm tra lại sau 8 tiếng, những người được ngủ có khả năng tìm ra luật chơi nhanh hơn gấp đôi so với những người thức trắng.

Khi chúng ta chìm vào giấc ngủ, bộ não tiến vào một chuỗi chu kỳ. Cứ sau 90-120 phút, bộ não lại trải qua các trạng thái ngủ chập chờn, ngủ sâu giấc và giai đoạn gắn liền với giấc mơ gọi là Mắt cử động nhanh (Rapid Eye Movement - REM). REM được cho là đóng vai trò hàng đầu trong hoạt động học hỏi và ghi nhớ. Nhưng các nhà khoa học vẫn còn nhiều điều chưa hiểu rõ. "Giấc ngủ phi REM vẫn còn là một bí ẩn, chúng ta dành khoảng 60% ban đêm cho loại giấc ngủ này", Stuart Fogel, nhà khoa học thần kinh ở Đại học Ottawa, cho biết.


Einstein ngủ ít nhất 10 tiếng mỗi ngày. (Ảnh: BBC).

Giấc ngủ phi REM có đặc trưng là những đợt hoạt động não nhanh gọi là cột ngủ (spindle event) bởi đường zigzag hình cột của sóng não khi đo điện não đồ. Một giấc ngủ đêm bình thường sẽ bao gồm hàng nghìn cột ngủ kiểu này, mỗi cột ngủ kéo dài không quá vài giây. "Đây thực sự là cánh cổng dẫn tới các giai đoạn ngủ. Bạn càng ngủ nhiều, bạn sẽ càng có nhiều cột ngủ", Fogel nói.

Các cột ngủ bắt đầu với sự trào năng lượng điện bắn ra nhanh từ các cấu trúc sâu trong bộ não. Thủ phạm chính là đồi não, một vùng hình oval đóng vai trò như "trung tâm chuyển đổi" chủ chốt của bộ não, truyền tín hiệu cảm giác theo đúng hướng. Khi chúng ta ngủ, nó đóng vai trò như một nút bịt tai bên trong, chặn thông tin bên ngoài để duy trì giấc ngủ. Trong khi cột ngủ diễn ra, năng lượng dâng trào di chuyển đến bề mặt não, sau đó quay trở lại, tạo thành một vòng hoàn chỉnh.

Những người có nhiều cột ngủ hơn thường có trí thông minh mềm (fluid intelligence) cao hơn. Trí thông minh mềm là khả năng giải quyết vấn đề mới, sử dụng tư duy logic trong các tình huống mới và nhận biết mô hình. Đây là những việc Einstein làm rất giỏi. "Những việc đó dường như không liên quan đến các loại trí thông minh khác như khả năng ghi nhớ hiện thực và con số mà chuyên về kỹ năng suy luận", Fogel cho biết. Điều này có thể giúp giải thích sự coi thường của Einstein đối với giáo dục chính quy và lời khuyên "không bao giờ ghi nhớ bất cứ thứ gì bạn có thể tra cứu".

Dù bạn càng ngủ nhiều thì cột ngủ càng nhiều, ngủ nhiều hơn không hẳn là có lợi. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây cho thấy giấc ngủ ban đêm ở phụ nữ và ngủ trưa ở đàn ông có thể cải thiện kỹ năng suy luận và giải quyết vấn đề. Việc tăng cường trí thông minh thường được liên hệ với sự xuất hiện của các cột ngủ.

Các nhà khoa học chưa rõ tại sao cột ngủ lại hữu ích, nhưng Fogel cho rằng nó có thể liên quan đến những vùng được kích hoạt. "Chúng tôi nhận thấy chính những vùng sản sinh cột ngủ là đồi não và vỏ não, hỗ trợ khả năng giải quyết vấn đề và áp dụng tư duy logic trong tình huống mới", Fogel chia sẻ.

Einstein cũng chợp mắt thường xuyên. Theo lưu truyền, để đảm bảo không ngủ quá giấc, Einstein ngả lưng trên ghế bành, trên tay cầm một chiếc thìa và đặt một chiếc đĩa kim loại đặt ngay bên dưới. Ông để bản thân chợp mắt trong một giây và khi chiếc thìa tuột khỏi tay, âm thanh thìa rơi lên đĩa kim loại sẽ đánh thức ông dậy.

Đi dạo hàng ngày

Thói quen đi dạo hàng ngày rất quan trọng đối với Einstein. Khi làm việc ở Đại học Princeton, New Jersey, ông thường đi 2,5 km tới đó và đi bộ về. Ông nối tiếp những nhà bác học cần mẫn đi bộ khác như Darwin, người đi bộ 45 phút ba lần mỗi ngày.

Thói quen trên không chỉ tốt cho sức khỏe, có nhiều bằng chứng cho thấy đi dạo có thể tăng cường trí nhớ, tính sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề.

Đi dạo làm bộ não xao lãng khỏi những công việc mang tính trí não nhiều hơn, buộc bộ não tập trung vào từng bước chân để không bị ngã. Đây là hiện tượng "giảm hoạt động chức năng tạm thời ở một số bộ phận não" (transient hypofrontality), đặc biệt là thùy trán liên quan đến những quá trình cao cấp hơn như ghi nhớ, đánh giá và ngôn ngữ.

Bằng cách giảm bớt hoạt động, bộ não áp dụng một kiểu tư duy hoàn toàn khác, dẫn đến những nhận thức mà bạn không thể nghĩ ra khi ngồi ở bàn làm việc.

Hút tẩu thuốc

Ngày nay, nhiều nguy cơ đối với sức khỏe khi hút thuốc được biết tới rộng rãi, do đó đây không phải là một thói quen nên duy trì. Nhưng Einstein nghiện hút tẩu thuốc nặng. Ông thường đi quanh sân trường với khói thuốc bốc lên từ tẩu. Ông nổi tiếng thích hút thuốc và tin rằng thói quen này "góp phần mang lại sự bình tĩnh và đánh giá khách quan trong mọi việc". Ông thậm chí nhặt đầu mẩu thuốc trên phố và nhét vào chiếc tẩu của ông.


Nhà vật lý nghiện hút thuốc nặng. (Ảnh: SPL).

Theo cách biện minh của Einstein, thuốc lá không liên quan đến ung thư phổi và những bệnh khác. Mãi đến năm 1962, 7 năm sau khi ông chết, mối liên hệ giữa thuốc lá và các loại bệnh mới được công bố rộng rãi.

Hút thuốc ngăn cản sự hình thành tế bào não, làm mỏng vỏ não (phần vỏ ngoài có nếp nhăn chịu trách nhiệm về ý thức) và khiến não thiếu oxy.

Một phân tích trên 20.000 thanh thiếu niên ở Mỹ, theo dõi các thói quen và sức khỏe của tình nguyện viên trong 15 năm, phát hiện bất kể tuổi tác, chủng tộc hay trình độ giáo dục, những đứa trẻ thông minh hơn hút thuốc nhiều hơn và thường xuyên hơn phần lớn mọi người. Các nhà khoa học chưa rõ tại sao, dù điều này không đúng ở mọi nơi. Tại Anh, những người hút thuốc thường có IQ thấp.

Ăn mỳ Ý

Einstein từng đùa những thứ ông thích về Italy là "mỳ Ý và nhà toán học Levi-Civita". Dù carbohydrate không có lợi cho sức khỏe, Einstein đã lựa chọn đúng. Bộ não tiêu tốn 20% năng lượng của cơ thể dù chỉ chiếm 2% trọng lượng toàn thân. Einstein thậm chí có thể cần ít năng lượng hơn bởi bộ não của ông chỉ nặng 1.230 g so với mức trung bình khoảng 1.400 g. Tương tự phần còn lại của cơ thể, bộ não ưa chuộng các loại đường đơn giản như glucose, có thể chuyển thành carbonhydrate. Các nơ-ron cần một nguồn cung cấp gần như liên tục và chỉ chấp nhận nguồn năng lượng khác khi thực sự không còn lựa chọn nào.

Dù ưa đường, bộ não không có cách lưu trữ năng lượng, do đó khi lượng đường máu giảm, nó sẽ nhanh chóng dùng hết năng lượng. "Cơ thể có thể giải phóng một phần nguồn dự trữ glycogen (hình thức lưu trữ của glucose và carbohydrate (CHO) ở động vật và con người bằng cách tiết ra hormone gây stress như cortisol, nhưng quá trình này có nhiều tác dụng phụ", Leigh Gibson, giảng viên tâm sinh lý ở Đại học Roehampton, cho biết.

Các tác dụng phụ bao gồm cảm giác khó tập trung và mơ hồ khi bỏ bữa. Một nghiên cứu phát hiện những người có chế độ ăn ít carbonhydrate phản ứng chậm hơn và giảm trí nhớ không gian dù chỉ trong ngắn hạn. Sau vài tuần, bộ não sẽ thích ứng với việc lấy năng lượng từ các nguồn khác như protein.

Đường có thể tăng năng lượng cho bộ não, nhưng ăn quá nhiều mỳ Ý không phải ý hay. "Thông thường, có bằng chứng chỉ ra khoảng 25g carbonhydrate rất có ích, nhưng một lượng lớn gấp đôi, tương ứng với khoảng 37 sợi mỳ, có thể ảnh hưởng đến khả năng tư duy", Gibson nói.

Không đi tất


Ông có thói quen không đi tất. (Ảnh: BBC).

Không danh sách nào về những thói quen kỳ lạ của Einstein không đề cập tới sự cáu giận của ông đối với những đôi tất. "Khi anh còn trẻ, anh phát hiện ngón chân cái của mình luôn để lại một lỗ thủng trên tất. Vì thế anh ngừng đi tất", Einstein viết trong một bức thư gửi cho em họ và sau này là vợ ông, Elsa. Vào cuối đời, khi không thể tìm thấy dép sandal của mình, ông đi luôn giày xỏ quai của Elsa.

Bề ngoài xuề xòa không mang lại bất kỳ lợi ích nào cho Einstein. Chưa có bất kỳ nghiên cứu nào xem xét trực tiếp ảnh hưởng của việc không đi tất, nhưng thay đổi trang phục thường ngày thay vì quần áo trang trọng hơn, gắn liền với kết quả kém trong các bài kiểm tra tư duy trừu tượng.

Xây nhà bằng các lá bài

Một thói quen khác mà Albert Einstein đã hình thành từ thời thơ ấu là xây nhà bằng các lá bài. Có lần, ông xây được một toà nhà cao đến 14 tầng.

Nếu bạn từng thử xây nhà bằng các lá bài, bạn sẽ biết rằng quá trình này đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn và tập trung. Tất nhiên, nói vậy không có nghĩa bạn nên bắt đầu xây nhà bằng các lá bài để trở thành một thiên tài, nhưng thói quen này có một đặc điểm quan trọng mà bạn nên xem xét.


Quá trình xây nhà bằng lá bài đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn và tập trung.

Khi bộ não chúng ta bận rộn với một thứ gì đó mang tính máy móc, nó sẽ mở ra khả năng suy nghĩ trừu tượng. Công việc càng đòi hỏi nhiều sự tập trung, hiệu ứng tích cực sẽ càng lớn. Không phải mọi thứ đang diễn ra trong bộ não của bạn đều sẽ mang lại một kết quả đáng chú ý ngay lập tức. Việc giữ cho tâm trí luôn bận rộn không bao giờ là điều thừa thải. Những thứ như xây nhà bằng các lá bài phù hợp cho mục đích này một cách hoàn hảo.

Chơi nhạc cụ

Dù Einstein thời trẻ thích thú nhất trò chơi xây nhà bằng các lá bài, mẹ ông lại không hào hứng như vậy. Bà quyết định đặt ra một trò khác hữu ích hơn dành cho cậu con trai. Và thế là bà chọn đàn violin.


Einstein biết chơi đàn violin.

Ban đầu, Einstein không chấp nhận điều đó, nhưng năm 13 tuổi, ông lần đầu nghe được nhạc Mozart và yêu nó ngay lập tức. Sau đó, ông chơi violin. Từ thói quen này chúng ta rút ra được một số thứ. Mặc cho phản ứng ban đầu không mấy yêu thích, Einstein đã có bản tính tò mò, đủ để giúp ông thay đổi quan điểm của bản thân về việc chơi violin.

Không có cách nào giúp não nghỉ ngơi tốt hơn việc thay đổi một hoạt động quen thuộc.

Bộ não của chúng ta rất thích thú khi chúng ta chuyển từ công việc sang những hoạt động tiếp thu thông tin trừu tượng, hình ảnh, và âm thanh. Nhưng đừng quên rằng, không thứ gì có thể thay thế một giấc ngủ ngon. Và rõ ràng Albert Einstein biết chắc điều đó.

Einstein luôn nghĩ rằng công việc khiêm tốn của ông tại văn phòng Bằng sáng chế Chính phủ ở Bern là tất cả những gì bản thân mong muốn, kể cả khi mức lương cho việc này khá thấp và tính chất công việc thì cực kỳ nhàm chán.

Trên thực tế, sự nhàm chán này chính là điều Einstein thích thú về công việc của mình. Khi chúng ta làm những việc đơn điệu và buồn tẻ, không đòi hỏi bất kỳ kỹ năng hay kiến thức chuyên môn nào, bộ não của chúng ta nhanh chóng thích nghi với nó. Do đó chúng ta sẽ sớm đi vào guồng công việc mỗi ngày mà không cần suy nghĩ nhiều. Điều này cho phép tâm trí chúng ta tự do "lướt" từ một suy nghĩ này sang suy nghĩ khác.

Cập nhật: 26/11/2020 Theo VNE/zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video