Có thể nói biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề nổi cộm mà loài người cần phải xử lý trong thế kỷ 21. Và phải là xử lý càng sớm càng tốt, vì nó đang góp phần khiến rất nhiều loài sinh vật bị hủy diệt.
Các loài sinh vật biển cũng vậy - chúng phải chịu ảnh hưởng từ sự gia tăng nhiệt độ của nước biển. Tuy nhiên, trong khi nhiều loài cá và thủy sinh bị sụt giảm nghiêm trọng về mặt số lượng, chúng ta lại có tới 2 loài vật vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở như chẳng có chuyện gì xảy ra. Đó là mực và bạch tuộc.
Các loài thân mềm như mực, mực ống, bạch tuộc đang có số lượng gia tăng rất nhanh trong 60 năm trở lại đây.
Theo như khảo sát mới đây từ ĐH Adelaide (Úc), các loài thân mềm như mực, mực ống, bạch tuộc đang có số lượng gia tăng rất nhanh trong 60 năm trở lại đây. Có thể hiểu luôn rằng tương lai được ăn ngập mồm mực với bạch tuộc đang đến rất gần rồi đây.
Các chuyên gia cho biết những loài này thực chất đã rất nổi tiếng vì khả năng thích nghi và tốc độ sinh sản nhanh, nên chúng có lợi thế khi môi trường thay đổi. Theo tiến sĩ Zoë Doubleday thuộc ĐH Adelaide: "Phân tích của chúng tôi cho thấy các loài thân mềm đang gia tăng về số lượng kể từ những năm 1950".
Bạch tuộc có khả năng thích nghi cực nhanh.
Thực chất, nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm hiểu lý do vì sao loài mực nang khổng lồ tại Úc lại có số lượng giảm sút, đồng thời xét xem các loài mực khác có giống như vậy không. Có điều kết quả thật bất ngờ khi tất cả những loài mực khác đều đang tăng rất mạnh. Và thậm chí, loài mực nang khổng lồ cũng bắt đầu sinh sôi trở lại vào thời điểm kết thúc nghiên cứu.
Tuy đây có vẻ là một tin mừng với những tín đồ ăn nhậu, các chuyên gia lại bày tỏ lo ngại, vì sự gia tăng số lượng của chúng đang chứng tỏ rằng tác động của biến đổi khí hậu đang có xu hướng phức tạp hơn.
Tác động từ biến đổi khí hậu dường như nguy hiểm hơn những gì chúng ta vẫn được biết.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell Press.