Cuối cùng thì mọi dự đoán cũng trở thành hiện thực. Nokia đã chính thức "kết liễu" sinh mạng của đứa con cưng một thời : điện thoại chơi game N-Gage.
Và nếu trước kia, N-Gage được tung hô, quảng bá rầm rộ đến đâu thì bây giờ, cái chết của nó lại diễn ra một cách im lìm, lặng lẽ chừng ấy. Bản thân ngài phó chủ tịch chiến lược tập đoàn Antti Vasara của Nokia cũng phải thừa nhận N-Gage là một thất bại cay đắng trong việc khai phá một dòng sản phẩm mới. "Chúng tôi đã ngộ ra một điều: người tiêu dùng muốn chơi game trên mọi thiết bị cơ. Đấy là lý do vì sao chúng tôi lại tích hợp phần mềm game vào các mẫu điện thoại series 60."
Được phát hành đầu tiên hồi tháng 10/2003, Nokia N-Gage khi ấy thực sự là một "quả bong bóng" được giới truyền thông bơm căng hết mực. Nokia đã bắn phá tất cả kênh truyền hình, web và tạp chí bằng một mẫu quảng cáo vô cùng ấn tượng của các skateboarder. Tuy nhiên, rất nhiều gamer lại cảm thấy khó chịu bởi quảng cáo này, nhất là bởi một tuyên bố từ người phát ngôn của hãng - cho rằng Game Boys thời buổi này không còn "cool" nữa. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực marketing cũng đưa ra phản ứng tiêu cực tương tự.
Thế nhưng lý do thực sự khiến N-Gage "chìm xuồng" như tàu Titanic nằm ở chính bản thân sản phẩm: cực kỳ đáng thật vọng. Trong phiên bản đầu tiên, cứ mỗi lần muốn đổi game khác là người chơi lại phải tháo pin ra. Còn nếu như muốn gọi điện (tức là sử dụng chức năng nguyên thủy của máy), họ sẽ phải dựng ngược nó lên.
Rút kinh nghiệm N-Gage, Nokia tung tiếp ra N-Gage QD vào năm 2004, khắc phục các thiếu sót về pin và thiết kế side-talking, thế nhưng doanh số tiêu thụ vẫn rất èo uột, Trong vòng 3 năm, hãng chỉ bán được vẻn vẹn 2 triệu máy N-Gage (cả phiên bản đầu tiên lẫn QD), so với dự kiến ban đầu là 6 triệu. Hiện Nokia chỉ còn kế hoạch sản xuất với số lượng cực kỳ hạn chế để phục vụ hai thị trường Trung Quốc và Ấn Độ mà thôi.
Đối với phần còn lại của thế giới, Nokia N-Gage thực sự đã từ giã cõi đời trong cô độc, không ai hay biết, chấm dứt sự hoang tưởng và ì xèo một thời. Lại một bài học nữa rút ra cho Nokia :"Chỉ làm khi đã nghĩ cho chín":
Thiên Ý