Sau nhiều năm tìm tòi, anh Trần Văn Phong (42 tuổi) và Đặng Văn Nguyên (50 tuổi), ở thôn 7, xã Nga Liên, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) đã chế tạo thành công chiếc máy dệt chiếu, với nhiều tính năng ưu việt so với máy nhập ngoại.
Anh Đặng Văn Nguyên đang lắp đặt máy dệt chiếu cho khách hàng. (Ảnh: TTO) |
Chiếc máy dệt chiếu do hai nông dân này chế tạo gồm các bộ phận chính như: Lô lăn giữ đay, bàn răng ép cói, bàn dẹm cói... Bộ khung của máy được làm bằng gỗ, có chức năng vừa giảm tiếng ồn, vừa giảm độ rung khi máy hoạt động. Máy dệt chiếu được gắn động cơ điện loại 1,1 Kw, vận hành dễ dàng, với hệ số an toàn cao. Công suất dệt của máy mỗi ngày (làm trong 8 tiếng đồng hồ) được khoảng từ 12 đến 13 lá chiếu, gấp sáu lần so với dệt thủ công.
Đặc biệt, trong khi các loại máy dệt chiếu nhập ngoại chỉ dệt được loại chiếu có chiều ngang là 1,1 m, thì máy do hai anh chế tạo đã dệt được loại chiếu có chiều ngang dài 1,2 m. Giá bán mỗi chiếc máy dệt chiếu này khoảng trên, dưới 20 triệu đồng. Hiện nay, xưởng cơ khí của anh Phong và anh Nguyên đang tập trung sản xuất máy dệt chiếu để bàn giao cho 50 khách hàng trong huyện đặt mua đầu tiên.
Được biết, thời gian tới, hai nông dân này sẽ tiếp tục nghiên cứu, cải tiến để máy dệt chiếu ngày càng hoàn thiện hơn, có thể dệt được loại chiếu có chiều ngang 1,5 m và dệt được liên hoàn, các lá chiếu tự cuốn, tự nhả (tương tự như máy dệt vải), giúp nông dân vùng sản xuất chiếu cói nâng cao năng suất lao động, tạo ra nhiều sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao.
HÀ ĐỒNG