Kết quả một công trình nghiên cứu công bố trên tờ Khoa học (Mỹ) ngày 26/4 đã hé lộ cách người nông dân sống ở thời kỳ đồ đá di cư từ vùng Địa Trung Hải lên phía Bắc để sinh sống bằng nghề săn bắn, hái lượm.
>>> Người tiền sử nắm kỹ thuật bắt cá ở vùng biển sâu
Nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học của Thụy Điển và Đan Mạch đã phát hiện bí mật trên sau khi tiến hành phân tích mẫu DNA của bốn mẫu khảo cổ người châu Âu sống ở thời kỳ đồ đá.
Phát hiện này giúp khai sáng một vấn đề vẫn luôn gây tranh cãi trong lịch sử loài người lâu nay - đó là nền văn minh nông nghiệp đã dịch chuyển từ Trung Đông đến châu Âu như thế nào.
Trước nay, các nhà khoa học cho rằng nghề nông bắt nguồn từ Trung Đông cách đây khoảng 11.000 năm, và đã vươn tới hầu hết lục địa châu Âu vào khoảng 5.000 trước.
Phát hiện mới nhất đưa ra giả thuyết rằng kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt đã được dân cư sống ở khu vực Địa Trung Hải du nhập vào châu Âu và đưa bí quyết của họ vào nghệ thuật săn bắn - hái lượm ở bán cầu Bắc.
Nhóm nghiên cứu đi đến kết luận này sau khi sử dụng phương pháp phân tích DNA tiên tiến đối với bốn mẫu khảo cổ người tiền sử còn sót lại ở Thụy Điển - được xác định là một nông dân và ba "chuyên gia" săn bắn hái lượm sống cách đây khoảng 5.000 năm.
So sánh dữ liệu gene của hai nhóm người đến từ hai nền văn hóa khác nhau, sống vào cùng một thời kỳ nhưng cách nhau khoảng 400km về mặt địa lý này với dữ liệu gene của người hiện đại ở châu Âu, các nhà khoa học nhận thấy những người sống bằng nghề săn bắn - hái lượm ở thời kỳ đồ đá có nhiều khác biệt về gene so với người hiện đại nhưng giống nhất với người Phần Lan, trong khi người nông dân thời tiền sử có cấu trúc gene gần với người Địa Trung Hải.
Trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng điều này chứng tỏ nghề nông đã lan rộng khắp châu Âu nhờ làn sóng di dân từ Địa Trung Hải lên phía Bắc.
Cuối cùng, nhóm nghiên cứu kết luận người châu Âu ngày nay có ảnh hưởng gene rất mạnh từ những nông dân di cư ở thời kỳ đồ đá, thông qua một số gene của tộc người săn bắn - hái lượm sống cùng thời kỳ.