Các dữ liệu quang phổ mới nhất cho thấy nước tồn tại không ít ngay trên bề mặt Mặt trăng và nó có thể được dùng để làm nhiên liệu tên lửa và dưỡng khí cho những chuyến thám hiểm tương lai.
Bài báo vừa được công bố trên tạp chí Nature Geoscience khiến nhiều người chấn động khi cho biết các dữ liệu quang phổ đã tìm thấy nước trên Mặt trăng. Và nó không hiếm hoi, mà được phân bố rộng rãi ngay trên bề mặt của Mặt trăng!
Mặt trăng thật sự có rất nhiều nước và là nguồn tài nguyên quý giá cho những cuộc thám hiểm sắp tới - (ảnh: SPUTNIK).
Nghiên cứu mới hoàn toàn đi ngược lại các lý thuyết trước đây về việc nước tồn tại chủ yếu dưới dạng băng giá trong các miệng núi lửa, gần các địa cực. Những tín hiệu đầu tiên đã được ghi nhận từ nhiều năm trước khi được trình bày với công chúng. Cụ thể, vào năm 2009, lần đầu tiên thiết bị quang phổ Chandrayaan -1 của Ấn Độ và 2 thiết bị khác của NASA tìm thấy những dấu hiệu của nước ngay trên bề mặt mặt trăng, đang phản chiếu ánh sáng mặt trời.
Tất nhiên, dạng thức của nước không giống trên trái đất nên chúng ta không thể nhìn nó như nhìn một cái hồ, con sông ở thế giới của chúng ta. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết nước mặt trăng có thể tồn tại dưới dạng tĩnh và thay đổi theo chu kỳ, không phụ thuộc và thành phần của bề mặt mà nó tồn tại bên trên.
Tiến sĩ Michael Poston đến từ Viện Nghiên cứu Tây Nam (SwRI), một trong các tác giả của bài báo vừa công bố, giải thích: "Khi phân chia các phân tử nước, bạn có oxy và hydro, các thành phần tạo nên không khí để thở và nhiên liệu tên lửa".
Các nhà khoa học vẫn đang xác định xem nước mặt trăng tồn tại dưới công thức hóa học nào: H2O (nước) hay OH (hydroxyl), hay hỗn hợp của cả hai, và nó đến từ đâu. OH – hydroxyl chính là hợp chất có thể dùng làm nhiên liệu cho các tên lửa.