Trên Mặt trăng có nước? Chuyện gì đang xảy ra vậy?
Một trong những điều kiện quan trọng nhất để duy trì sự sống là nước, nên đây luôn là yếu tố tiên quyết được các nhà khoa học chú trọng khi nghiên cứu các hành tinh bên ngoài Trái đất.
Nước có vẻ như đang mắc kẹt trong lớp đá núi lửa trên bề mặt của Mặt trăng.
Nhưng hóa ra, nước ở gần hơn ta tưởng. Mới đây, các chuyên gia từ ĐH Brown (Rhode Island, Mỹ) đã tìm ra những bằng chứng cho thấy Mặt trăng có thể đang chứa một lượng nước rất lớn bên trong các lớp đá kính núi lửa. Phát hiện này có thể đem lại lợi ích không nhỏ cho các nhiệm vụ lớn trên Mặt trăng trong tương lai.
Cụ thể, các chuyên gia nhận ra rằng nước có vẻ như đang mắc kẹt trong lớp đá núi lửa trên bề mặt của vệ tinh này. "Nghiên cứu trong lịch sử cho rằng Mặt trăng vốn khô hạn. Nhưng qua nghiên cứu, chúng tôi biết sự thật không phải thế, mà nó giống Trái đất về khoản có nước và các chất lỏng khác" - Ralph Milliken, chủ nhiệm nghiên cứu cho biết.
Milliken cho biết, các nghiên cứu trước kia sử dụng mẫu vật lấy từ tàu Apllo 15 và 17 (1971 - 1972), nhằm kiểm tra khả năng có nước trên Mặt trăng. Đến năm 2008, khoa học bắt đầu tìm thấy dấu vết của nước trong các hạt đá kính núi lửa, qua đó đặt ra nghi vấn về việc Mặt trăng "ướt" hơn chúng ta tưởng.
Giữa các lớp đá kính núi lửa trên Mặt trăng có nước.
Được biết, khi núi lửa hoạt động, dung nham sẽ tuôn ra rất nhanh. Thông thường nếu không kịp trở thành đá thường, nó sẽ thành dạng đá kính trong suốt. Nhưng ngoài ra, dung nham bị làm lạnh đột ngột trong nước cũng trở thành đá kính, và đây là cơ sở để khoa học phải đặt câu hỏi.
Theo Milliken, nghiên cứu lần này sử dụng các dữ liệu từ vệ tinh Mặt trăng Chandarayaan-1 của Ấn Độ. Bằng các phân tích quang phổ ánh sáng phản chiếu trên bề mặt, các thành phần khoáng chất có trên Mặt trăng sẽ lộ diện. Trong đó, họ nhận thấy nước có thể đang tồn tại giữa các hạt đá kính núi lửa. Thậm chí, lượng nước này có thể nhiều ngang ngửa Trái đất.
Các nhiệm vụ lên Mặt trăng sẽ trở thành đột phá.
"Lượng nước chúng tôi tìm thấy nhiều khả năng là dạng hydroxide (OH), nhưng cũng có thể là H20".
Hiện tại, chúng ta vẫn chưa rõ lượng nước của Mặt trăng có được là nhờ sao chổi hoặc thiên thạch, hay đã tồn tại ở đó từ khi Mặt trăng ra đời. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm ở đây là lượng nước này rất dễ tiếp cận, chỉ cần nung các hạt đá thủy tinh ở một nhiệt độ vừa đủ là được.
"Các nhiệm vụ du hành lên Mặt trăng trong tương lai sẽ không cần phải mang quá nhiều nước nữa, và đây là một bước tiến lớn. Thay vì nước, chúng ta mang được nhiều công cụ hơn, giúp an toàn bay được nâng cao, và làm được nhiều nhiệm vụ quan trọng hơn" - Shuai Li, đồng tác giả nghiên cứu chia sẻ.
Nghiên cứu được công bố trên Nature Geoscience.