Cổ linh chi là một trong 4 loại nấm dược liệu quý mà TS Ngô Anh và đồng sự vừa nuôi cấy thành công trong năm 2006. Nhìn những tai nấm đang phát triển, ít ai tin rằng, phải mất hai năm, TS Anh mới tìm ra giải pháp nuôi cấy thành công loài nấm này trong phòng thí nghiệm. Bởi đây là loài nấm phát triển quả thể, trước đây chủ yếu mọc hoang trong rừng nhưng lại là loài dược liệu rất quý, có hiệu lực chống khối u cao, nhất là điều trị ung thư phổi, ung thư vú, ung thư dạ dày.
Theo TS Ngô Anh, "đây là loài nấm đa niên mọc lâu năm ở rất cao. Muốn nuôi trồng, phải thu thập mẫu tự nhiên và đưa về phòng thí nghiệm. Một chu kỳ trồng mất 4-5 tháng. Muốn thành công phải lặp lại 4-5 lần. Trong phòng thí nghiệm, phải trồng trên giá thể mùn cưa như gỗ mít, gỗ tạp để cung cấp dinh dưỡng. Quy trình nuôi cấy loài này rất công phu".
Là giảng viên khoa Sinh học, gần 30 năm qua, ngoài thời gian giảng dạy, TS Ngô Anh đã dồn hết sức lực cho việc nghiên cứu và nuôi cấy các loài nấm dược liệu. Với sự cộng tác cùng các giáo sư trong nước, quốc tế và các đồng nghiệp, ông đã xác định sự đa dạng sinh học của hơn 400 loài nấm, đồng thời nghiên cứu tìm ra các thành phần sinh hoá, hoạt tính thải độc của nhiều loài.
Đặc biệt, qua việc thu thập các mẫu vật ở các vùng sinh thái khác nhau, ông và các đồng nghiệp đã nuôi cấy thành công 14 loại nấm dược liệu. Trong đó, ngoài các loại nấm lỗ, mộc nhĩ còn có 10 loại nấm thuộc họ linh chi như: cổ linh chi, tử chi, xích chi, linh chi nhiệt đới, hoàng chi… Đây là những loại nấm dược liệu quý, có các hợp chất có tác dụng điều hoà sự nhiễm độc của các tế bào, giảm đau, thư giãn cơ, ức chế kết dính tiểu cầu, kích thích khả năng miễn dịch và có tác dụng dùng để hỗ trợ điều trị nhiều bệnh như: gan, tiết niệu, tim mạch, ung thư, AIDS…
Tuy chưa được trồng rộng rãi, nhưng những thành công bước đầu của TS Ngô Anh trong việc nghiên cứu và nuôi cấy thành công một số loài nấm dược liệu quý đã mở ra triển vọng mới trong việc sử dụng các hợp chất trong nấm để hỗ trợ điều trị một số bệnh nan y thường gặp.