Ôtô điện có thể gây vấn nạn môi trường

Ôtô điện được kỳ vọng giảm các tác nhân gây ô nhiễm không khí nhưng pin của chúng lại là thách thức lớn với môi trường.

Chiến dịch thay thế xe ôtô chạy xăng, dầu diesel gây ô nhiễm không khí bằng thế hệ ôtô điện thân thiện với môi trường đang được đẩy mạnh, nhưng vấn đề xử lý pin thải loại của xe điện có thể là bài toán đầy thách thức với môi trường,Guardian ngày 10/8 đưa tin.

Chính phủ Anh và Pháp tháng trước cam kết cấm bán xe chạy xăng, dầu trước năm 2040. Nhà sản xuất ôtô Volvo của Thụy Điển cũng cho biết sẽ chỉ bán xe điện hoặc xe lai từ năm 2019.

Số lượng ôtô điện trên thế giới vượt mốc hai triệu xe năm 2016 và sẽ tăng lên 140 triệu xe trước năm 2030 nếu các quốc gia đạt mục tiêu đề ra trong thỏa thuận khí hậu Paris, theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế. Ajay Kochhar, CEO của công ty tái chế pin Canada Li-Cycle, cho biết sự bùng nổ của xe điện có thể tạo ra 11 triệu tấn pin cần được tái chế từ nay đến năm 2030.


Xe ôtô điện của Baojun E100 của General Motors. (Ảnh: General Motors).

Quá trình khai thác lithium và cobalt, hai nguyên liệu chính làm pin, có thể gây nhiễm độc nước lẫn cạn kiệt tài nguyên. Amrit Chandan, kỹ sư hóa chất tại công ty công nghệ cao của Anh Aceleron cho biết quá trình khai thác các nguyên liệu này tiêu tốn quá nhiều năng lượng. Pin hư hại có nguy cơ rò rỉ khí độc ra môi trường.

Tại Liên minh châu Âu (EU), nơi có quy định các nhà sản xuất ôtô thu thập, tái chế pin đồng thời khuyến khích sự hợp tác giữa họ và đơn vị tái chế, chỉ khoảng 5% pin lithium-ion hiện được tái chế. Tỷ lệ thấp này xuất phát từ thực tế phần lớn pin cần tái chế nằm trong đồ gia dụng, thường bị cất ở xó nhà hoặc quăng ra bãi rác.

Marc Grynberg, giám đốc điều hành của công ty tái chế pin Umicore ở Bỉ, dự đoán kịch bản này sẽ không xảy ra với ôtô điện. "Các nhà sản xuất ôtô sẽ có trách nhiệm trong việc thu thập và tái chế pin", Grynberg nói. Umicore đã đầu tư gần 30 triệu USD để có thể thu hồi cobalt, niken. Tuy nhiên, việc thu hồi lithium đòi hỏi thêm chi phí.

Theo Francisco Carranza tại nhà sản xuất ôtô Nissan của Nhật Bản, tái chế pin hiện chưa mang lại hiệu quả kinh tế. Với mỗi một kg pin, các công ty phải chi hơn một USD để thu lại kim loại thô trị giá 0,3 USD.

Nissan hiện cộng tác với công ty quản lý năng lượng Eaton để tái sử dụng pin ôtô vào mục đích tích trữ năng lượng phục vụ gia đình. Theo Aceleron, khi bị loại bỏ, pin ôtô chỉ giảm 30% chất lượng, phù hợp với mục đích tái sử dụng.

Linda Gaines, nhà phân tích hệ thống vận tải và chuyên gia pin xe điện tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne, Mỹ, nhận định vẫn còn thời gian để xây dựng các nhà máy tái chế pin điện có công nghệ đủ mạnh. "Nhưng vấn đề là chúng ta không biết loại pin điện nào sẽ xuất hiện khi chưa có các quy định về tiêu chuẩn và mẫu thiết kế phục vụ mục tiêu tái chế".

Cập nhật: 12/08/2017 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video