Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Quốc Thắng cho rằng, bên cạnh xây dựng chỉ dẫn địa lý hoặc bảo hộ sở hữu công nghiệp, cần tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ như phát minh, sáng chế...
- Bộ Khoa học và Công nghệ vừa tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình Hỗ trợ và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Là trưởng ban chỉ đạo, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của chương trình?
- Có thể thấy rằng, nhận thức chung của xã hội được nâng cao rất nhiều. Các địa phương, doanh nghiệp cũng có nhận thức tốt về sở hữu trí tuệ và phát triển tài sản trí tuệ, đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa cũng như sở hữu công nghiệp để phát triển giá trị sản phẩm.
Thứ trưởng Trần Quốc Thắng. (Ảnh: Tiến Dũng) |
- Vậy còn khó khăn trong việc thực hiện chương trình này là gì?
- Khó khăn thì có thể nhìn thấy rõ. Đó là, tuy nhận thức được nâng cao nhưng cũng không phải tất cả mọi người đều có nhận thức về việc này, từ người dân, doanh nghiệp cho đến các cơ quan quản lý.
Về cơ chế trong việc kiểm soát chất lượng hàng hóa nói chung và trong lĩnh vực kiểm soát, giám sát chất lượng hàng hóa, sản phẩm sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý cũng như sở hữu công nghiệp vẫn có vấn đề. Ngoài ra, chế tài xử phạt việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện vẫn chưa chặt chẽ, chưa đủ sức răn đe.
Đây là những vấn đề trong thời gian tới chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thiện dần.
- Trong 3 năm, đã có 34 nhãn hiệu, đặc sản địa phương được bảo hộ và chỉ dẫn, và sắp tới sẽ có hơn 70 nhãn hiệu nữa được bảo hộ và chỉ dẫn. Vậy, Bộ KH&CN sẽ làm gì để tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển tài sản trí tuệ?
- Năm sau sẽ kết thúc giai đoạn 2005-2010 được Chính phủ phê duyệt chương trình này. Bắt đầu từ giờ, chúng tôi sẽ xây dựng nội dung của chương trình tiếp theo để trình Chính phủ.
Đây cũng là một trong những nội dung Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ trong Nghị quyết 22 ngày 28/5/2009 để thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương.
- Để đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp nhằm nâng cao sức cạnh tranh trong và ngoài nước, Ban chỉ đạo chương trình cũng như Bộ KH&CN có đề xuất gì về chính sách cũng như cơ chế thực hiện?
- Giai đoạn tiếp theo chúng tôi có một số đề xuất mới. Thí dụ, mở rộng nội dung chương trình theo hướng không chỉ nhằm vào xây dựng chỉ dẫn địa lý hoặc bảo hộ sở hữu công nghiệp mà phải tăng cường hơn nữa bảo hộ sở hữu trí tuệ như phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích.
Thứ hai, phát huy tài sản trí tuệ sẵn có. Thí dụ, những sáng chế đã hết hạn bảo hộ thì sẽ tìm cách giải mã hoặc mua sáng chế ở nước ngoài để phát triển sản phẩm của chúng ta. Đó là một trong những nội dung sẽ mở rộng trong thời gian tới.
Ngoài ra, Bộ KH&CN sẽ nghiên cứu cơ chế chính sách từ việc quản lý và hỗ trợ phù hợp hơn nữa những chế tài trong việc kiểm soát chất lượng hàng hóa, sản phẩm. Nhưng điều này lại phải phù hợp với cam kết khi chúng ta trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới.
Trước thách thức của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và những tồn tại của hệ thống sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần được hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ từ phía Nhà nước thông qua các chính sách và biện pháp cụ thể. Do vậy, năm 2005, Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chương trình Hỗ trợ và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. |