Hàng năm, ngành công nghiệp phần mềm giáo dục thu về 2 tỷ USD và trở thành người bạn song hành của hệ thống trường học tại Mỹ. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, kết quả học tập của học sinh hầu như không được cải thiện.
Kết quả của báo cáo này đã giáng một đòn nặng vào ngành công nghệ giáo dục, ngành kinh doanh đang phát triển vũ bão dưới sự đốc thúc của các trường học nhằm tìm cách nâng cao thành tích và đạt chỉ tiêu theo điều luật “Không để trẻ em tụt hậu” - No Child Left Behind (NCLB) do chính quyền Bush ban hành. Điều luật này quy định các trường hàng năm phải sát hạch khả năng đọc và làm toán của học sinh từ lớp 3 đến lớp 8.
Nhờ phần mềm giáo dục để nâng thành tích học tập
Các trường học thành tích thấp chộp lấy các sản phẩm phần mềm với hi vọng có thể nâng cao điểm số của học sinh trong các bài kiểm tra, từ các chương trình mô phỏng trò chơi điện tử chạy trên Sony PlayStation theo mốt thời thượng hay các bài tập đào sâu kiến thức chạy trên máy tính.
Nhưng người ta ngờ rằng hoạt động này liệu có hiệu quả bao nhiêu, nhất là từ sau vụ bê bối của một quan chức giáo dục cấp cao. Năm 2005, người đứng đầu các trường học tại hạt Prince George (Mỹ) đã buộc phải từ chức khi bị nghi là nhận hối lộ trong hợp đồng mua bán phần mềm giáo dục trị giá 1 triệu USD .
Kết quả nghiên cứu sau khi được phát hành ngày 5/4 đã làm nung nóng thêm cuộc tranh luận về công nghệ giáo dục, khi các nhà lập pháp Mỹ đang xét xem có nên đổi mới điều luật NCLB trong năm nay hay không. Phát ngôn viên của Bộ Giáo dục, bà Katherine McLane, phát biểu: “Chúng tôi đang lo công nghệ không được sử dụng hiệu quả trong việc nâng cao thành tích học sinh”.
Trong khi đó ít có động thái tích cực nào từ phía các nhà chức trách ngành công nghiệp giáo dục. Trước tiến bộ ít ỏi của học sinh, họ đổ lỗi cho việc đào tạo kém chất lượng và áp dụng không đúng cách các chương trình phần mềm trong lớp học.
Giám đốc chính sách giáo dục Hiệp hội Công nghiệp Phần mềm và Thông tin, ông Mark Schneiderman, cho biết các nghiên cứu thử nghiệm khác cho thấy công nghệ giáo dục có tác dụng, mặc dù chúng không có quy mô rộng và sâu như của Bộ Giáo dục. “Có vẻ như chúng tôi đang cố biện hộ, nhưng sự thật là công nghệ chỉ là một phần của giáo dục, việc ứng dụng công nghệ thế nào có ý nghĩa vô cùng quan trọng”. Hiệp hội của ông Mark đại diện cho 150 công ty sản xuất phần mềm giáo dục.
Nhưng học sinh kém vẫn không khá lên được
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Giáo dục Mỹ thì các phần mềm giáo dục không mang nhiều ích lợi như chúng ta vẫn tưởng |
Tại các lớp học, chương trình phần mềm như “iLearn Math” và “Achieve Now” được sử dụng theo các cách khác nhau phụ thuộc vào giáo viên. Một số nhà giáo dục dùng phần mềm như công cụ bổ trợ đào sâu kiến thức cho học sinh trong một số bài giảng, một số khác lại dùng chúng thay hẳn cho sách giáo khoa.
Nhiều người cho rằng việc ứng dụng công nghệ giúp thu hút học sinh vào bài giảng hơn (khi mỗi người được hướng dẫn cụ thể) và chuẩn bị hành trang cho họ bước vào thế giới công nghệ sau này. Các trường học sử dụng phần mềm để dạy tất cả các môn học, trong khi nghiên cứu của Bộ chỉ tập trung vào môn toán và đọc.
Tranh luận diễn ra trên nhiều khía cạnh của vấn đề. Nhiều ý kiến cho rằng việc ứng dụng công nghệ không đúng cách dẫn tới tình trạng ít tiến bộ của học sinh không có nghĩa là chối bỏ hoàn toàn công nghệ trong giáo dục.
Nghiên cứu của Bộ Giáo dục nhận được nhiều khen ngợi cũng như chỉ trích. Các nhà nghiên cứu dự định sẽ kết hợp với các công ty kinh doanh phần mềm điều tra sâu hơn về một số chương trình cụ thể nào đó. Chủ tịch hội đồng quản trị của PLATO, ông John Murray phát biểu: “Chúng tôi tự hào được là nhà tài trợ tài chính của nghiên cứu quan trọng này về hiệu quả sử dụng công nghệ trong lớp học”.
Thu Trang