Trong bối cảnh Việt Nam phải tôn trọng bản quyền theo các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), việc sử dụng phần mềm nguồn mở đang được các doanh nghiệp xem là giải pháp tối ưu để tiết kiệm chi phí.
Tuy nhiên, sử dụng phần mềm nguồn mở cũng không hẳn là chuyện dễ dàng.
Giải pháp tiết kiệm
Với khoảng 4.000 máy tính đang sử dụng phần mềm nguồn mở, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã tiết kiệm được hơn 1 triệu đô la Mỹ tiền mua bản quyền phần mềm. Tuy nhiên, mới đây, Sacombank đã quyết định ký hợp đồng mua bản quyền phần mềm với Microsoft để chuẩn hóa hệ thống công nghệ thông tin của mình.
Bà Phan Bích Vân, Tổng giám đốc Sacombank, cho biết mặc dù ứng dụng phần mềm nguồn mở có thể giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí đầu tư, tuy nhiên trong chiến lược hiện đại hóa công nghệ ngân hàng theo yêu cầu hội nhập thì không thể thiếu phần mềm thương mại. Vì vậy, để dung hòa, Sacombank sẽ sử dụng song song cả phần mềm nguồn mở và phần mềm thương mại trong thời gian tới.
Sacombank là một trong những doanh nghiệp đầu tiên ứng dụng phần mềm nguồn mở từ năm 2004. Việc ứng dụng khá thuận lợi vì ngày càng có nhiều giải pháp hơn cho người sử dụng chọn lựa. Đặc biệt là bộ OpenOffice - bộ công cụ được xây dựng trên mã nguồn mở của Sun Microsystems - phiên bản 2.0.4 mà Sacombank đưa vào sử dụng từ tháng 6/2006 rất gần gũi với phần mềm Microsoft Office.
Tuy nhiên, theo bà Vân: “Phần mềm thương mại có nhiều tính năng cao cấp, dễ sử dụng và có tính ổn định hơn phần mềm nguồn mở. Vì vậy, chúng tôi phải mua bản quyền phần mềm của Microsoft để hoạt động kinh doanh được chuyên nghiệp hơn cũng như để tránh rủi ro”.
Mặt khác, một số người cho rằng, để ứng dụng được phần mềm nguồn mở vào toàn bộ hệ thống thì ban giám đốc phải là người tiên phong. Kinh nghiệm từ Sacombank cho thấy muốn ứng dụng phần mềm mã nguồn mở thành công, người lãnh đạo phải thể hiện rõ vai trò và quyết tâm của mình, quan tâm sâu sát đến các giai đoạn triển khai và theo dõi tiến độ thực hiện để chỉ đạo kịp thời.
Bên cạnh đó, cũng cần có đội ngũ chuyên gia công nghệ thông tin có kinh nghiệm về phần mềm nguồn mở để hỗ trợ cho các phòng ban khi cần. Thời gian đầu việc ứng dụng phần mềm nguồn mở cũng đã làm ảnh hưởng tới công việc của Sacombank vì phải từng bước thay đổi thói quen sử dụng Microsoft Office của nhân viên.
Khó khăn lớn nhất đối với phần mềm nguồn mở là không có các dịch vụ hỗ trợ trực tiếp từ nhà cung cấp như khi sử dụng phần mềm thương mại, đặc biệt là khi ứng dụng hệ thống Core Banking vốn đòi hỏi tính tích hợp cao.
Rào cản
Theo tính toán của Bộ Bưu chính Viễn thông, Việt Nam hiện có hơn 2 triệu máy tính và nếu tất cả đều sử dụng phần mềm có bản quyền thì phải chi ít nhất 1 tỉ đô la Mỹ.
Ưu điểm của phần mềm mã nguồn mở là được dùng nguồn miễn phí, vì vậy chi phí thấp so với các phần mềm thương mại. Việc sử dụng phần mềm mã nguồn mở cũng không lệ thuộc vào bất cứ một nhà cung cấp nào. Nhờ có được mã nguồn nên cộng đồng mã nguồn mở có khả năng bổ sung và phát triển các ứng dụng theo yêu cầu riêng. Việc có được mã nguồn cũng giúp các nhà lập trình sáng tạo ra phần mềm riêng của mình.
Tuy nhiên, hạn chế của phần mềm mã nguồn mở là chưa được hỗ trợ kỹ thuật kịp thời. Nếu người dùng gặp sự cố, họ có thể nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng nguồn mở, nhưng về mặt pháp lý không ai bị bắt buộc có nghĩa vụ cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho phần mềm mã nguồn mở như trong trường hợp sử dụng phần mềm thương mại.
Mặt khác, những hỗ trợ về tích hợp các thiết bị ngoại vi và các ứng dụng chuyên nghiệp trên nền phần mềm mã nguồn mở vẫn còn hạn chế. Điều quan trọng nữa là các hệ điều hành nguồn mở hiện nay đều dựa theo hệ điều hành Linux nhưng đa số người dùng chưa có kiến thức về hệ điều hành này, ngay cả đa số quản trị viên mạng của doanh nghiệp cũng chưa rành về phần mềm nguồn mở. Điều này dẫn đến yêu cầu phải đào tạo lại từ đầu với chi phí không nhỏ.
Những rào cản trong việc sử dụng phần mềm mã nguồn mở đã khiến nhiều doanh nghiệp, cơ quan và cá nhân e ngại. Vì thế, tìm được giải pháp cho việc này là điều rất khó khăn, phải được sự hưởng ứng của cộng đồng và những dịch vụ tiện lợi hơn.
Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam cần khuyến khích phát triển phần mềm mã nguồn mở trong trường học, và các trung tâm nghiên cứu bởi phần mềm mã nguồn mở là phương tiện dạy học, nghiên cứu rất hiệu quả. Vì thế, cần khuyến khích tạo ra được một số sản phẩm công nghệ thông tin đặc thù, phù hợp với điều kiện và yêu cầu trong nước trên cơ sở phần mềm mã nguồn mở, đặc biệt là phục vụ cho các doanh nghiệp nhỏ khi chi phí cho phần mềm có bản quyền còn khá cao.
Hiện ở Việt Nam đã có khoảng 20 doanh nghiệp và cá nhân đầu tư vào phần mềm mã nguồn mở như Vietkey Group, CMC, iNet Solutions..., nhưng mới chỉ mang tính tự phát. Từ nhiều năm qua, các bộ ngành cũng đã đặt ra chương trình phát triển và ứng dụng phần mềm mã nguồn mở nhưng bài toán đến nay vẫn chưa được giải quyết.