Các nhà thiên văn học phát hiện 3 ngôi sao cổ đại từng thuộc về những thiên hà đầu tiên của vũ trụ đang 'lẩn trốn' ở rìa Dải Ngân hà, theo báo cáo trên chuyên san Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.
Dải Ngân hà được cho đã hấp thu các thiên hà khác trong quá trình lớn mạnh. (Ảnh: AI).
Các nhà nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) phát hiện 3 ngôi sao già cỗi đang ở cách trái đất khoảng 30.000 năm ánh sáng, thuộc khu vực gọi là quầng hào quang của Dải Ngân hà.
Cấu tạo hóa học cơ bản của nhóm sao trên cho thấy chúng có niên đại từ 12 đến 13 tỉ năm tuổi, có nghĩa là từng thuộc về những thiên hà đầu tiên, hình thành sau sự kiện Big Bang khai sinh vũ trụ từ 1 đến 2 tỉ năm.
"Bộ ba sao đang di chuyển khá nhanh, đạt vận tốc hàng trăm km/giây (và theo chiều ngược lại những ngôi sao khác)", theo báo cáo của MIT, một lần nữa cho thấy các ngôi sao này không thuộc Dải Ngân hà mà thay vào đó đến từ các thiên hà khác.
Các nhà nghiên cứu cho rằng số lượng sao cổ đại đang hiện diện ở Dải Ngân hà không dừng lại ở con số 3 mà còn nhiều hơn nữa. Chúng được xem là bằng chứng "hóa thạch" phơi bày quá khứ, theo đó Dải Ngân hà đã lớn mạnh bằng cách thâu tóm các thiên hà xung quanh và cướp đoạt sao của chúng.
Những ngôi sao cổ đại còn có thể được sử dụng để nghiên cứu các sao và thiên hà đầu tiên của vũ trụ.
"Nhóm sao cổ đại là một phần cây phả hệ vũ trụ của chúng ta. Và chúng ta giờ đây biết tìm chúng ở đâu để nghiên cứu", theo thành viên đội ngũ nghiên cứu, giáo sư Anna Frebel.