Tổ chức bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI) vừa công bố phát hiện 500 con chà vá chân xám ở khu vực Tây Nguyên.
Con số này gần gấp đôi quần thể được biết đến trên thế giới. Trước khi thực hiện khảo sát, FFI ước tính 800-1.000 cá thể còn sót lại và chúng là một trong số 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất thế giới.
Loài chà vá chân xám mới được phát hiện ở Tây Nguyên. (Ảnh: Nguyễn Vân Trường).
"Đây thực sự là loài linh trưởng của Việt Nam và không thể tìm thấy ở nơi nào khác. Quần thể mới mang đến hy vọng nhưng thật sự buồn khi chúng đang trên bờ vực tuyệt chủng", ông Benjamin Rawson, Giám đốc FFI Việt Nam nói.
Chà vá chân xám sống khu trú tại các cánh rừng ở miền Trung Tây Nguyên. Mối đe dọa chính đối với loài là nạn phá rừng, săn bắn và phá vỡ sinh cảnh. Đây là loài thường bị bắt để lấy thịt, làm thuốc và làm vật nuôi.
Các chuyên gia cho rằng cần nỗ lực từ nhiều phía trong đó có chính phủ, cộng đồng địa phương, tổ chức dân sự trong việc bảo tồn loài trên.
Chà vá là nhóm linh trưởng gồm có ba loài: chân xám, chân nâu và chân đen. Chúng sống trên cây trong các khu rừng của Việt Nam theo đàn từ 4 đến 30 cá thể. Các loài chà vá đều có đuôi dài bằng chiều dài cơ thể (56-76cm).
Chà vá chân xám (Pygathrix cinerea) mặt vàng, cằm trắng và lớp lông màu xám bao phủ hầu hết cơ thể. Một đàn của chúng thường có một con đực, một số con cái và các con, tuy nhiên đàn nhỏ này có thể tập hợp lại thành đàn lớn hơn lên đến 30 con. Chúng ăn lá và một số bộ phận khác của cây, như hạt, trái cây, hoa.