600 ngôi mộ được chôn dưới lớp đất đá và phân bổ trên hai ngọn đồi vừa mới được tìm thấy tại tỉnh Tứ Xuyên và theo nhận định ban đầu, những ngôi mộ này sớm nhất có từ thời nhà Đông Hán (25-220).
>>> Người cổ đại cũng ham "khoe mẽ" giàu sang
Theo tin tức từ các trang mạng Trung Quốc ngày 6/11, 600 ngôi mộ này nằm trên một ngọn đồi khá lớn tại huyện Tân Tân, thành phố Thành Đô, Tứ Xuyên. Và việc tìm thấy rất tình cờ khi các công nhân đang tiến hành thu dọn lớp đất đá để xây dựng một công trình tại đây.
Được biết, 600 ngôi mộ bị chôn vùi khá sâu trong lòng đất, được bao bọc bằng những tán cây lớn và tổ ong.
Có khoảng 370 ngôi mộ nằm ở phía tây của ngọn đồi, sắp xếp theo hình bậc thang, như ngọn núi cao dựng đứng, cao khoảng 60m. 230 ngôi mộ còn lại phân bổ ở vị trí thấp hơn.
Bước đầu, chính quyền huyện Tân Tân cùng các nhà khảo cổ xác định những ngôi mộ này có giá trị lịch sử vô cùng quan trọng, sớm nhất có từ nhà Đông Hán.
Hiện các nhà khảo cổ học đang tích cực làm sạch lớp đất đá xung quanh và tiến hành khai quật, tìm kiếm các dấu tích ở trong lòng những ngôi mộ này. Mới đầu, có rất nhiều đồ gốm trang trí, đa dạng phong cách đã được tìm thấy.