Sarah Pickin 23 tuổi, cô sinh viên chuyên ngành khảo cổ học người Scotland ngày hôm qua đã tìm thấy miếng kẹo cao su có niên đại 5.000 năm tuổi trong chuyến đi thực nghiệm ở bờ biển Phần Lan - thứ mà ban đầu, cô cứ ngỡ là một... cục phân hóa thạch.
Cục nhựa vỏ cây bulô - vẫn còn rõ mồn một dấu răng nhai dở - được các chuyên gia phân tích chẩn đoán có nguồn gốc từ 3.000 năm trước Công nguyên.
(Ảnh: Kierikki.fi) |
“Tôi cũng biết trước đây các nhà khảo cổ đã tìm thấy bã kẹo cao su cổ đại ở châu Âu, do đó khi nhìn thấy mẫu vật trong khe đất, đó là khả năng đầu tiên tôi nghĩ tới” - cô sinh viên với nghề phục vụ bán thời gian ở quán bar tâm sự. "Tuy nhiên, trông nó bẩn thỉu và sờ mềm mềm như thể phân động vật nên tôi quay sang hỏi ý kiến bạn bè. Hiện mẫu vật đang được gửi đi phân tích, sau đó sẽ đem ra trưng bày”.
Giáo sư Trevor Brown - chuyên viên bảo tồn di sản đồng thời là giáo viên hướng dẫn của Pickin trong chuyến thực nghiệm kéo dài 6 tuần ở Trung tâm thời kỳ đồ đá Kierikki tại Derby - cho biết: “Trong vỏ cây bulô có chứa phenol - vốn là một hợp chấp khử trùng. Miếng “bã kẹo” mà Pickin tìm thấy có lẽ được làm bằng cách nướng vỏ cây cho nóng chảy, sau đó đun sôi, làm lạnh thì mới được khối chắc chắn như thế".
Khi muốn nhai như kẹo, người ta lại hơ nóng nó lên cho mềm rồi “thưởng thức”.
Trước nay, người ta vẫn nghĩ tới kẹo cao su như một thói quen của thời hiện đại do ông William Wrigley Jr người Mỹ “phát minh” vào năm 1893 và du nhập vào châu Âu từ thế kỷ trước.
Kỳ thực, kẹo cao su có nguồn gốc xa xưa hơn thế nhiều, ít nhất là xuất hiện từ cách đây 9.000 năm. Theo ước đoán của các nhà khảo cổ, những miếng nhựa dẻo đã phổ biến khắp các vùng miền ở bắc Âu từ nửa giữa thời kỳ đồ đá (khoảng 10.000-6.500 trước Công nguyên).
Sarah Pickin tại địa điểm khai quật ở tây nam Phần Lan (Ảnh: DT) |
Hải Minh