Các nhà khảo cổ học cho rằng đã phát hiện "lịch" mặt trăng cổ nhất thế giới trên đồng ruộng Aberdeenshire của Scotland.
Khi đào bới đồng ruộng tại lâu đài Crathes, các chuyên gia Anh do Đại học Birmingham dẫn đầu, đã tìm thấy một loạt gồm 12 hố có dấu hiệu mô phỏng các tuần của mặt trăng và theo dõi các tháng âm lịch.
Hình minh họa vị trí của các hố tương đồng với chu kỳ di chuyển của mặt trăng - (Ảnh: RCAHMS)
Theo phân tích ban đầu, đây là dấu tích của tượng đài cổ được những người thuộc thời kỳ hái lượm tạo nên cách đây khoảng 10.000 năm.
Các chuyên gia cho rằng những hố hiện trống không này có thể từng chứa các cột gỗ.
Bộ lịch thời kỳ đồ đá giữa có niên đại cổ hơn đến hàng ngàn năm so với các địa điểm đo thời gian tương tự được tạo ra ở vùng Lưỡng Hà, theo báo cáo đăng trên chuyên san Internet Archaeology.
Vị trí của các hố cũng tương đồng với vị trí mặt trời mọc vào giữa mùa đông, nhằm điều chỉnh thời gian theo định kỳ trong năm để phù hợp với sự thay đổi theo mùa.
Cuộc nghiên cứu quy tụ các nhóm khoa học gia đến từ Đại học Birmingham, St Andrews, Leicester và Bradford.