Một loài thực vật hiếm ở Nhật có tên khoa học là Paris japonica mang trên mình bộ gene lớn nhất chưa từng được biết đến từ trước đến nay.
Loài thực vật Paris japonica có bộ gene lớn nhất. (Ảnh: Alpsdake/Wikimedia)
Hệ gene hay bộ gene là một tập hợp chứa đựng toàn bộ thông tin di truyền của một cơ thể sinh vật được mã hóa trong ADN.
Nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Vườn Thực vật Hoàng gia Kew, Vương quốc Anh cho biết loài Paris japonica có lượng ADN là 152,23 picogram (pg), nhiều hơn 15% so với loài giữ kỷ lục có bộ gene lớn nhất trước đó là cá phổi Protopterus aethiopicus với 132,83 pg (1 pg = 10-12 g).
bộ gien này cũng lớn hơn 50 lần so với bộ gene của con người (chỉ có 3 pg).
Theo các nhà nghiên cứu, nếu trải ra, hệ gene của loài cây này có thể cao hơn cả tháp Big Ben (96m).
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu về bộ gene Ilia Leitch - công tác tại Phòng thí nghiệm Jodrell ở Vườn Thực vật Hoàng gia Kew - cảnh báo loài thực vật chứa nhiều ADN sẽ có nguy cơ tuyệt chủng, khó sống sót trước tình trạng đất bị ô nhiễm hay trước sự khắc nghiệt của thời tiết (chẳng hạn như sa mạc) và phát triển chậm hơn loài thực vật chứa ít ADN bởi nó phải mất thời gian dài để tái tạo bộ gene.