Phát hiện "đại lộ tang lễ" 4.500 năm tuổi ở Saudi Arabia với nhiều ngôi mộ có hình dáng kỳ lạ

Các nhà khoa học phát hiện mạng lưới đường cổ với hàng loạt ngôi mộ tròn hoặc hình mặt dây chuyền bao quanh.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Tây Australia tiến hành điều tra diện rộng với những cuộc khảo sát trên không bằng trực thăng, khảo sát mặt đất, khai quật, nghiên cứu ảnh vệ tinh, vào năm ngoái. Kết quả, họ tìm thấy những "đại lộ tang lễ" trải dài ở các vùng Al-'Ula và Khaybar, tây bắc Saudi Arabia, CNN hôm 16/1 đưa tin. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Holocene.

"Người dân ở những vùng này đã biết đến chúng hàng nghìn năm. Nhưng tôi nghĩ mọi người không thực sự rõ chúng rộng lớn như thế nào cho đến khi chúng tôi chụp ảnh vệ tinh", nhà nghiên cứu Matthew Dalton nói. Dalton cho biết, các đại lộ tang lễ mà ông quan sát từ trực thăng trải dài hàng trăm, thậm chí hàng nghìn km.


Một "đại lộ tang lễ" bao quanh bởi hàng loạt ngôi mộ niên đại khoảng 4.500 năm ở Saudi Arabia. (Ảnh: Royal Commission for AlUla/AAKSA)

"Bạn sẽ thấy nhiều con đường chính ngày nay chạy theo cùng tuyến với các đại lộ cổ xưa vì đó thường là tuyến đường ngắn nhất giữa hai địa điểm mà chúng kết nối. Thực tế, trong một số trường hợp, các ngôi mộ dày đặc đến mức bạn không thể không bước lên những con đường cổ đại, vì xung quanh bạn đều là lăng mộ", Dalton nói.

Các ngôi mộ chủ yếu hình tròn hoặc mặt dây chuyền. Mộ tròn gồm một ụ đá, bao quanh là tường cao đến 2m, trong khi mộ hình mặt dây chuyền có thêm phần đuôi đẹp mắt. Sử dụng phương pháp định tuổi bằng đồng vị carbon, nhóm nghiên cứu xác định một nhóm mẫu vật tồn tại từ năm 2600 - 2000 trước Công nguyên, dù các ngôi mộ tiếp tục được sử dụng lại cho đến khoảng 1.000 năm trước.

"Những ngôi mộ này đã 4.500 tuổi mà vẫn giữ nguyên chiều cao ban đầu, điều tôi chưa từng thấy. Vì thế, tôi cho rằng điều khiến Saudi Arabia nổi bật so với phần còn lại của khu vực là mức độ bảo quản đáng kinh ngạc", nhà nghiên cứu Melissa Kennedy nói.

Kennedy cho rằng mỗi ngôi mộ lưu giữ một hoặc một nhóm nhỏ hài cốt. Nhóm chuyên gia đã quan sát khoảng 18.000 ngôi mộ dọc theo các đại lộ tang lễ, trong đó 80 mộ đã được lấy mẫu hoặc khai quật để nghiên cứu.


Cận cảnh một ngôi mộ trong “đại lộ danh dự” ở Saudi Arabia. (Ảnh: Royal Commission for AlUla).

Nhóm nghiên cứu cho rằng các đại lộ được sử dụng từ rất lâu trước khi xây mộ và vẫn chưa rõ chính xác tại sao người xưa lại đặt mộ dọc theo đại lộ như vậy. "Thể hiện quyền sở hữu có thể là một lý do để xây những ngôi mộ này. Có thể còn lý do khác, chẳng hạn như bạn chôn những người gần gũi và yêu quý nhất ven đường vì bạn sẽ thường xuyên đi qua đó và có một nơi để nhớ đến họ", Dalton giải thích.

Nhóm nghiên cứu dự định tiếp tục sử dụng phương pháp định tuổi bằng đồng vị carbon và trở lại địa điểm khảo cổ trước khi phân tích dữ liệu. Dalton cho rằng họ sẽ phát hiện thêm nhiều điều vì các đại lộ có khả năng trải dài tới Yemen, đặc biệt là khi những ngôi mộ tương tự được tìm thấy cả ở Yemen và miền bắc Syria.

"Thiên niên kỷ thứ 3 là một giai đoạn quan trọng. Đó là thời kỳ các kim tự tháp được xây dựng và nhiều nền văn hóa khác biệt lần đầu tiên tương tác với nhau trên quy mô rộng lớn. Vì thế, sự xuất hiện của các đại lộ tang lễ trong thời kỳ này thực sự thú vị", Kennedy nhận xét.

Cập nhật: 18/01/2022 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video