Phát hiện đột phá về khả năng miễn dịch với nCoV

Các nhà khoa học Mỹ vừa công bố kết quả hai nghiên cứu cho thấy phát hiện mới về sự miễn dịch với nCoV, đồng thời có thể xua tan nỗi lo về hiệu quả bảo vệ của vaccine Covid-19.

Sự miễn dịch với virus corona kéo dài ít nhất một năm, thậm chí có thể cả đời, và sẽ cải thiện theo thời gian, đặc biệt là sau tiêm chủng, theo hai nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ. Kết quả này có thể giúp xoa dịu nỗi lo rằng hiệu quả bảo vệ trước virus chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, New York Times đưa tin ngày 26/5.

Hai nghiên cứu mới cho thấy đa số người từng khỏi Covid-19 và sau đó được tiêm chủng sẽ không cần tiêm nhắc lại. Tuy nhiên, có hai nhóm người nhiều khả năng sẽ cần tiêm chủng: Người đã được tiêm chủng nhưng chưa bao giờ nhiễm virus corona, và số ít người nhiễm virus nhưng cơ thể không có phản ứng miễn dịch tốt.

Nghiên cứu thứ nhất được đăng ngày 24/5 tại tạp chí khoa học Nature. Kết quả nghiên cứu này cho thấy loại tế bào ghi nhớ virus corona (còn gọi là tế bào nhớ B) sẽ ở lại lâu trong tủy xương và sẽ sản xuất kháng thể khi cần.

Nghiên cứu thứ hai đăng trên BioRxiv, trang web nghiên cứu sinh học, phát hiện những tế bào B tiếp tục trưởng thành và trở nên mạnh mẽ hơn trong ít nhất 12 tháng sau lần lây nhiễm ban đầu.


Hai nghiên cứu mới có thể xua tan nỗi lo sợ rằng miễn dịch trước virus corona chỉ có tác dụng tạm thời. (Ảnh: New York Times).

“Những kết quả này thống nhất với số nghiên cứu đang ngày một gia tăng cho thấy phản ứng miễn dịch trước SARS-CoV-2 được hình thành qua lây nhiễm hoặc tiêm chủng có dấu hiệu sẽ tồn tại lâu dài”, Scott Hensley, nhà miễn dịch học thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ). Ông Hensley không có liên quan tới hai nghiên cứu mới.

Tế bào miễn dịch sẽ ở lại tủy xương sau lây nhiễm hoặc sau tiêm chủng

Thông thường, khi lần đầu gặp virus, tế bào B trong cơ thể sẽ mau chóng sinh sôi và sản xuất lượng lớn kháng thể để chống lại. Sau khi lây nhiễm cấp tính bị đẩy lùi, một ít tế bào B sẽ ở lại trong tủy xương và đều đặn sản xuất lượng kháng thể tương đối.

Để quan sát tế bào B chuyên trách nCoV, nhóm các nhà nghiên cứu do tiến sĩ Ali Ellebedy thuộc Đại học Washington tại thành phố St. Louis (Mỹ) dẫn đầu đã phân tích máu của 77 người, bắt đầu từ một tháng sau khi nhóm này mắc Covid-19.

Việc phân tích được thực hiện cách 3 tháng một lần. 6 trên 77 người phải nhập viện để điều trị, số còn lại có triệu chứng nhẹ.

Mức độ kháng thể của những người này giảm nhanh chóng 4 tháng sau lây nhiễm và tiếp tục giảm dần trong nhiều tháng sau. Kết quả này thống nhất với các nghiên cứu khác.

Một số nhà khoa học nhận định đây là dấu hiệu cho thấy miễn dịch của cơ thể giảm dần theo thời gian. Nhưng các chuyên gia khác cho rằng điều này hoàn toàn trong dự liệu. Nếu phải mang lượng lớn kháng thể đối với mọi mầm bệnh cơ thể từng gặp, máu sẽ trở nên dày đặc và không thể tuần hoàn.

Thay vào đó, lượng kháng nguyên trong máu sẽ tụt mạnh sau lây nhiễm cấp tính. Đồng thời, tế bào nhớ B sẽ ngủ yên trong tủy xương và sẵn sàng hành động khi cần.


Hai nghiên cứu mới cho thấy tế bào nhớ B hình thành sau lây nhiễm Covid-19 và tiếp tục được củng cố qua vaccine sẽ mạnh đến mức có thể đánh bại biến chủng virus. Những người như vậy không cần phải tiêm nhắc lại. (Ảnh: New York Times).

Đội ngũ của tiến sĩ Ellebedy lấy mẫu tủy từ 19 người khoảng 7 tháng sau khi họ bị lây nhiễm. Trong số này, 15 người có tế bào nhớ B ở mức phát hiện được, 4 người còn lại không có. Điều này cho thấy một số người có thể mang rất ít hoặc không mang tế bào B.

“Điều này nói với tôi rằng kể cả khi đã nhiễm virus, bạn vẫn chưa chắc sẽ có phản ứng miễn dịch siêu mạnh”, tiến sĩ Ellebedy nói. Kết quả này củng cố lập luận rằng người đã khỏi Covid-19 vẫn nên tiêm chủng, ông Ellebedy nhận định.

Ngoài ra, 5 tình nguyện viên tham gia nghiên cứu của tiến sĩ Ellebedy hiến mẫu tủy 7-8 tháng sau khi nhiễm virus và hiến một lần nữa vào 4 tháng sau đó. Từ những mẫu này, tiến sĩ Ellebedy và đồng nghiệp phát hiện số lượng tế bào B ở mức ổn định trong khoảng thời gian trên.

Kết quả này đặc biệt đáng chú ý vì thông thường rất khó để lấy mẫu tủy, theo Jennifer Gommerman, nhà miễn dịch học thuộc Đại học Toronto. Tiến sĩ Gommerman không liên quan tới nghiên cứu của tiến sĩ Ellebedy.

Trước đó, một nghiên cứu có tính cột mốc năm 2007 cho thấy rằng kháng thể trên lý thuyết có thể tồn tại hàng thập kỷ, thậm chí vượt quá tuổi thọ trung bình. Điều này gợi ý rằng tế bào B hiện diện lâu dài trong cơ thể. Nghiên cứu mới của tiến sĩ Ellebedy đã cung cấp bằng chứng hiếm có về sự tồn tại của tế bào B, tiến sĩ Gommerman nói.

Vẫn cần tiêm chủng dù tự khỏi Covid-19

Trong nghiên cứu của mình, tiến sĩ Michel Nussenzweig thuộc Đại học Rockefeller tại New York (Mỹ) cùng đồng nghiệp quan sát quá trình trưởng thành theo thời gian của tế bào nhớ B. Các nhà nghiên cứu phân tích máu từ 63 người đã khỏi Covid-19 từ khoảng một năm trước.

Đa phần người tham gia có triệu chứng nhẹ. 26 người được tiêm ít nhất 1 liều của vaccine Moderna hoặc Pfizer-BioNTech.

Từ đó, nhóm nghiên cứu phát hiện những kháng nguyên vô hiệu hóa - kháng nguyên cần thiết để phòng tránh tái lây nhiễm virus - không thay đổi trong 6-12 tháng. Trong khi đó, những kháng nguyên có liên quan nhưng ít quan trọng hơn dần biến mất.

Khi tế bào nhớ B tiếp tục tiến hóa, kháng nguyên mà chúng sản xuất ra bắt đầu có khả năng vô hiệu hóa nhiều biến chủng hơn. Quá trình trưởng thành liên tục này có thể xuất phát từ hệ thống miễn dịch của cơ thể xẻ ra một mảnh virus để “luyện tập”.

Một năm sau lây nhiễm, hoạt động vô hiệu hóa của kháng nguyên trong cơ thể những tình nguyện viên chưa được tiêm chủng trở nên suy giảm trước mọi biến chủng virus. Suy giảm mạnh nhất là khả năng bảo vệ trước biến chủng xuất hiện lần đầu tại Nam Phi.


Thượng nghị sĩ Mỹ Rand Paul cho rằng không cần phải tiêm vaccine Covid-19 vì đã miễn dịch sau khi nhiễm virus vào tháng 3/2020. (Ảnh: AP).

Việc tiêm chủng sẽ khiến lượng kháng nguyên trong cơ thể được khuếch đại mạnh mẽ, phù hợp với các nghiên cứu khác. Ngoài ra, việc tiêm chủng cũng giúp hoạt động vô hiệu hóa của cơ thể được tăng khoảng 50 lần.

Thượng nghị sĩ Mỹ Rand Paul hôm 23/5 cho biết sẽ không tiêm vaccine virus corona vì ông đã miễn dịch sau khi nhiễm virus từ tháng 3/2020.

Tuy nhiên, không có điều gì đảm bảo rằng sự miễn dịch ấy đủ mạnh để bảo vệ ông Paul trong nhiều năm, nhất là khi các biến chủng Covid-19 mới xuất hiện có thể vượt qua hàng phòng ngự của cơ thể.

Kết quả nghiên cứu của tiến sĩ Nussenzweig còn cho thấy rằng những người từng khỏi Covid-19 và sau đó được tiêm vaccine sẽ có mức độ bảo vệ rất cao trước biến chủng mới, kể cả khi không được tiêm nhắc lại.

“Những người nhiễm Covid-19 và sau đó tiêm chủng thật sự có phản ứng cùng một bộ kháng nguyên rất tuyệt vời, vì kháng nguyên trong cơ thể họ tiếp tục tiến hóa”, tiến sĩ Nussenzweig nói. “Tôi dự kiến chúng tồn tại trong thời gian rất dài”.

“Phản ứng tế bào B ở đây rất tốt, giống với những gì chúng ta hy vọng có được”, Marion Pepper, một nhà miễn dịch học thuộc Đại học Washington tại thành phố Seattle (Mỹ) nhận xét. Bà Pepper không có liên quan tới nghiên cứu mới của tiến sĩ Nussenzweig.

Các chuyên gia cùng nhất trí rằng những người chưa từng mắc Covid-19 sẽ có phản ứng miễn dịch rất khác. Cuộc chiến của cơ thể trước virus sống sẽ khác với việc phản ứng trước protein virus do vaccine đưa vào cơ thể. Hơn nữa, ở những người từng mắc Covid-19, phản ứng miễn dịch ban đầu đã có thời gian để củng cố trong 6-12 tháng trước khi được vaccine thách thức.

Cập nhật: 28/05/2021 Theo Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video