Trong vũ trụ có một dạng hành tinh bị thiếu, đó là nhóm hành tinh gần gấp đôi kích thước Trái đất. Nghiên cứu từ Viện Flatiron (Mỹ) đã đem đến câu trả lời.
Ảnh đồ họa mô tả về một hành tinh bị mất đi khí quyển, "biến hình" thành hành tinh đá - (Ảnh: NASA)
Khi tìm kiếm các ngoại hành tinh, các nhà thiên văn hầu như chỉ tìm thấy 2 loại chủ yếu: nhóm hành tinh xấp xỉ Trái đất và nhóm cực khổng lồ. Các hành tinh cỡ trung bình rất hiếm gặp, cho dù các lý thuyết thiên văn trước đây không chỉ ra được rào cản nào trong quá trình hình thành hành tinh ở một "Hệ Mặt trời" non trẻ.
Nghiên cứu công bố trên The Astronomy Journal đã cho câu trả lời. Họ tuyển chọn nhiều ngoại hành tinh đã được tìm bởi kính viễn vọng Kepler của NASA và phát hiện ra rằng, các hành tinh trong vũ trụ không phải là khối cầu ổn định bằng đá hoặc khí.
Theo SciTech Daily, một số hành tinh khí to gấp nhiều lần Trái đất, có dạng "tiểu Hải Vương Tinh" đã bị teo nhỏ nhanh chóng, trở thành một hành tinh đá lớn hơn Trái đất một chút hoặc xấp xỉ. Quá trình mất khí quyển tạo nên một bước "nhảy vọt" về bán kính, từ quá to thành quá nhỏ. Có hành tinh chỉ còn 1/10 kích thước trong chớp mắt. Do đó, khó lòng tìm được một hành tinh nào có kích cỡ nằm giữa 2 loại hành tinh đó, tức khoảng 1,5-2 lần Trái đất.
Đây được coi là một phát hiện đột phá do đánh đổ suy nghĩ thông thường rằng một hành tinh khi đã hình thành xong thì sẽ giữ kích thước ổn định. Có rất nhiều hành tinh khí có nguy cơ bị teo nhỏ bất ngờ, ngược lại có nhiều hành tinh đá chỉ là "kẻ cải trang", bởi có nguồn gốc từ một người khổng lồ khí bị mất đi khí quyển.