Phát hiện hạt vi nhựa trong nước mưa, không chỉ còn nằm dưới lòng biển nữa

Các nhà khoa học mới đây phát hiện ra, ở vùng núi Pyrenees không có người sinh sống ở miền nam nước Pháp, những trận mưa đã đem các hạt vi nhựa từ biển khơi, tích tụ trên những đám mây và rơi xuống vùng đất này. Đó chính là hậu quả trực tiếp của việc con người lạm dụng việc sử dụng đồ nhựa trong cuộc sống hàng ngày và thải chúng ra ngoài môi trường. Họ đã phát hiện ra, cứ mỗi ngày một mét vuông ở vùng Pyrenees đo được 365 phân tử vi nhựa được nước mưa “thả” xuống.

Deonie Allen, một nhà nghiên cứu tại EcoLab, thuộc trường đại học Nông nghiệp và Công nghệ Cuộc sống tại Toulouse, Pháp cho rằng: “Thật khủng khiếp khi nghĩ đến lượng nhựa đang rơi xuống và ở lại vĩnh viễn vùng Pyrenees. Hạt vi nhựa nên được coi là một dạng ô nhiễm không khí mới”. Sở dĩ nói hạt vi nhựa được quá trình tuần hoàn tự nhiên của nước trong khí quyển, bốc hơi từ biển, trở thành mây và tạo mưa đem tới vùng Pyrenees, là vì trong vòng bán kính 100km, các nhà khoa học không hề thấy nguồn chất thải nhựa đáng chú ý có thể tìm đường đến vùng núi cao 3 nghìn mét so với mực nước biển này.


Những trận mưa đã đem các hạt vi nhựa từ biển khơi.

Trước đó, mới chỉ có hai nghiên cứu về hạt vi nhựa bay lơ lửng trong không khí, và chúng đều được thực hiện tại các thành phố lớn, kết quả đều có tính tương đồng khi tại đây lượng rác thải con người tạo ra rất khác so với việc tìm thấy hạt nhựa ở vùng núi hẻo lánh ở Pháp. Bây giờ có lẽ đã kết luận được, hạt nhựa có mặt ở khắp mọi nơi: “Nếu bạn ra ngoài đường với một chiếc đèn UV, đặt bước sóng cho đèn ở mức 400 nanomet, khi soi đèn bạn có thể thấy tất cả những hạt nhựa và bụi có trong không khí. Ở trong nhà chúng còn có thể dày đặc hơn. Nghe khá đáng sợ”.

Allen và những người đồng nghiệp của cô đã thu thập mẫu hạt vi nhựa trong 5 tháng trời trên một trạm khí tượng ở độ cao 1.400 mét so với mặt nước biển, sử dụng hệ thống lưu giữ hạt nhựa trong không khí giống như một cái phễu. Sau đó họ bắt đầu đếm và phân loại những hạt nhựa có kích thước nhỏ hơn 300 micron (0,3 mm). Hơn 1 nửa trong số đó, theo các nhà khoa học, có kích thước nhỏ hơn 25 micron, nghĩa là bằng 1 nửa đường kính sợi tóc người.

Sau đó, các nhà nghiên cứu bắt đầu tìm hiểu hướng gió để tìm nguồn gốc của những hạt nhựa trên dãy Pyrenees. Trong vòng bán kính 100km chỉ có những hộ làm nông đơn lẻ, không có những khu công nghiệp lớn.


Hạt nhựa có mặt ở khắp mọi nơi.

Các nhà khoa học trong nhiều năm qua đã cảnh báo việc con người đang tạo ra một hành tinh nhựa. Năm 2015, con người thải ra môi trường 420 triệu tấn rác thải nhựa. Con số này trong năm 1950 chỉ là 2 triệu tấn. Trong 65 năm đó, 6 tỷ tấn rác nhựa đã quay về môi trường, đi vào lòng biển hoặc được thu gom tại những bãi rác quy mô lớn, theo một nghiên cứu vào năm 2017. Bắt đầu từ việc sản xuất những chai lọ nhựa, túi nylon hay những bao bì, nhựa do con người tạo ra dần thoái hóa theo thời gian để tạo thành những hạt nhựa nhỏ li ti cỡ micromet hay nanomet. Một cuộc nghiên cứu ước tính trên bề mặt biển hiện có khoảng 15 đến 51 nghìn tỷ hạt vi nhựa.

Việc con người tự dung nạp lại hạt vi nhựa mà họ thải ra môi trường vào cơ thể qua thức ăn, nước uống và cả không khí đã được chứng minh, nhưng hậu quả đối với sức khỏe lại chưa được nghiên cứu kỹ càng. Những hạt vi nhựa có kích thước nhỏ hơn 25 micron có thể đi vào cơ thể qua đường hô hấp, trong khi những hạt có kích thước nhỏ hơn 5 micron có thể lưu lại ở mô phổi của con người. Chắc chắn chúng gây ra hậu quả xấu với sức khỏe, nhưng như thế nào thì chưa có nghiên cứu khoa học cụ thể.

Trong khi đó, việc đốt những nhiên liệu hóa thạch như than cũng tạo ra những loại khí độc gây ra đau tim, hen suyễn, ảnh hưởng tới trí nhớ và IQ của trẻ em. Hầu hết các quốc gia đều có quy chuẩn riêng về ô nhiễm không khí để giảm thiểu lượng bụi mịn có kích thước dưới 10 micron và 2,5 micron trong không khí. Anh em thường biết quy chuẩn này với cái tên PM 10 và PM 2.5.


Hạt vi nhựa nên được coi là một dạng ô nhiễm không khí mới.

Đó mới là hạt nhựa lơ lửng trong không khí, mà chúng ta còn chưa nói tới những hạt nhựa kích cỡ nanomet. Một đầu kim có thể chứa một tỷ hạt nhựa ở kích thước này.

Roman Lehner của đại học Fribourg, Thụy Sỹ cho rằng: “Không nên bất ngờ khi biết rằng hạt vi nhựa có mặt ở khắp mọi nơi”. Bản thân hạt nhựa nano cũng vậy, nhưng công nghệ của con người chưa xác định được chúng một cách hiệu quả. Những hạt siêu siêu nhỏ này có tính chất lý hóa khác so với hạt vi nhựa có kích thước cao hơn. Một trong số đó là vì kích thước nhỏ, chúng dễ xảy ra phản ứng hóa học hơn so với hạt vi nhựa, và vì thế có thể tạo ra nguy cơ cao hơn đối với cơ thể con người.

Những cuộc thí nghiệm đã chỉ ra rằng, hạt nhựa nano có thể thẩm thấu qua tường tế bào để đi vào cơ thể của cá cùng nhiều loài sinh vật biển khác. Con người cùng vậy, các nhà khoa học đã phát hiện ra hạt nhựa nano có thể đi qua hệ tiêu hóa và đi vào cơ thể người. Mặc dù những nghiên cứu về tác động của hạt nhựa đối với sức khỏe con người sẽ còn cần phải triển khai thêm, có một điều đã rất rõ ràng, việc sử dụng bao bì và các chế phẩm từ nhựa cần phải được giảm bớt ngay lập tức.

Cập nhật: 11/07/2019 Theo Tinh Tế
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video