Một hóa thạch gần như hoàn chỉnh của động vật ăn kiến có vảy kích thước như con lửng có từ buổi sơ khai của loài thú có vú vừa được tìm thấy tại Mông Cổ, theo báo cáo của tạp chí Vertebrate Paleontology.
Con vật này ước tính gần 57 triệu năm tuổi và là một trong những loài thú có vú xuất hiện sớm nhất trên trái đất, ngay sau khi loài khủng long bị tuyệt chủng.
Được đặt tên là Ernanodon, loài này rất ít được biết đến do hóa thạch duy nhất còn tồn tại của nó đã bị biến dạng nhiều.
Hóa thạch của tổ tiên loài tê tê (phía dưới) và bộ xương của loài tê tê ngày nay (phía trên).
Nhưng các nhà khảo cổ tại Mông Cổ đã khai quật được mẩu hóa thạch thứ hai gần như hoàn chỉnh, giúp họ hiểu được nhiều hơn về loài động vật này. Hóa thạch này nằm trong một khối đá có niên đại 57 triệu năm xuất hiện ở kỷ Paelecene, kéo dài từ 55 đến 65 triệu năm trước đây.
Alexander Agadjanian, thuộc Phân Viện Nghiên Cứu Cổ Sinh Vật Học Borissiak, Nga cho biết: “Đây là một phát hiện hiếm có và bộ xương của loài này đại diện cho một trong những bộ xương hoàn chỉnh nhất từng được phát hiện trong giai đoạn này tại khu vực Naran Bulak”.
Dailymail cho biết loài này chuyên đào bới tìm thức ăn hay làm tổ và có kích thước như con lửng ngày nay. Chân của nó rất khỏe, móng to và răng được tinh giảm đến lạ thường.
Hóa thạch của loài vật này lần đầu tiên được tìm thấy năm 1979 đã gây nhiều tranh cãi, một số nhà khoa học cho rằng nó là tổ tiên của con tatu ngày nay, trong khi những người khác thì cho rằng nó là họ hàng gần của loài tê tê.
Và phát hiện mới này nghiêng về lập luận thứ hai nhưng nó là tổ tiên ban đầu của loài tê tê.
Peter Kondrashov, trường đại học A.T.Still, Hoa Kỳ cho biết: “Do chỉ có một mẫu duy nhất hóa thạch xương sọ phía sau của loài thú có vú thuộc kỷ Paelecene ở Châu Á, nên hóa thạch Ernanodon này là nguồn thông tin vô cùng quan trọng về đời sống, tập quán và các mối quan hệ của loài thú này”.