Các nhà khoa học đang nghiên cứu phần còn lại của loài gấu khổng lồ từng sống tại Nam Mỹ. Dấu vết hóa thạch cho thấy đó là một loài gấu có khuôn mặt ngắn, khi đứng thẳng trên hai chân sau có thể cao đến 3,35m.
Hóa thạch được tìm thấy ở thành phố La Plata, Argentina. Loài gấu này được đặt tên khoa học là Arctotherium angustidens. Giới khoa học nhận định đó là loài thú ăn thịt sống trên mặt đất, rất mạnh mẽ.
Theo báo Daily Mail, các công nhân xây dựng đã phát hiện hóa thạch gấu trong lúc họ đang thi công một bệnh viện. Các nhà cổ sinh học đã đo xương chân của hóa thạch và ước tính trọng lượng của nó từ 1.600 - 1.750 kg. Phân tích xương cho thấy con gấu này có rất nhiều thương tích lúc còn sống. Có thể đó là vết thương qua các trận đánh với những con gấu đực khác hoặc khi nó tấn công con mồi và bị đánh trả. Theo nhà khoa học Leopoldo Soibelzon của Bảo tàng LaPlata thì đây là loài gấu lớn nhất từ trước đến giờ được phát hiện, phá kỷ lục loài gấu đang sống ở Nam cực với trọng lượng chừng 1 tấn.
Các tiến sĩ Soibelzon và Blaine Schubert đã công bố nghiên cứu khoa học này trên tạp chí Cổ sinh vật học. Họ tin rằng lũ gấu khổng lồ này từng sống rất đông đúc tại Nam Mỹ vào 2,6 triệu năm trước.