Loài cóc mày mới có tên khoa học Leptolalax firthi sp. nov vừa được các nhà khoa học Việt Nam và Úc phát hiện ở các cánh rừng có độ cao từ 860 - 1720 mét thuộc hai tỉnh Kon Tum, Quảng Nam.
>>> Loài cóc tuyệt chủng vẫn sống được trong phòng thí nghiệm
TS Hoàng Đức Huy, Khoa Sinh học, trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG TPHCM) cho biết ngày 8/6.
Theo TS Huy, để phân biệt loài cóc mày mới với các loài khác trong cùng giống Leptolalax phải có những quan sát tỉ mỉ về con ngươi của mắt, màu sắc mí mắt, nếp da phát triển ở ngón chân trước,... Quan sát nhanh, có thể thấy Leptolalax firthi có màu sắc lưng đồng màu nâu và các nốt sần đều như cát. Tuy nhiên, để phân biệt từng loài trong giống cóc mày này, đòi hỏi người quan sát phải có chuyên môn sâu và giàu kinh nghiệm.
Cóc mày Leptolalax firthi
“Với kỹ thuật sinh học phân tử ngày nay, các loài này được xác đinh rất rõ dựa trên sự sai khác các trình tự trong DNA ty thể giữa các loài khác nhau. Leptolalax firthi có sự sai khác về trình độ gene khoảng trên 10% so với các loài khác trong cùng giống”, TS Huy nói.
Loài Leptolalax firthi thường xuất hiện và sinh sống tại những con suối nước chảy trong và sạch trong rừng thường xanh ở độ cao 860 - 1720 mét thuộc tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Trong hệ sinh thái tự nhiên, cóc mày chỉ xuất hiện với số lượng nhiều khi đến mùa sinh sản và tập trung ven các bờ suối, chúng kêu inh ỏi để gọi bạn tình. Ngoài mùa sinh sản thì chúng "biến mất" nhưng thực tế là chúng rút vào trong các thảm thực vật nền rừng và sống ở đó nên chúng ta không thấy.
Loài cóc mày mới cũng đã được nhóm nghiên cứu công bố trên tạp chí Zootaxa 3321: 56-68 (2012).