Nghiên cứu mới của một nhóm nhà khoa học quốc tế chỉ ra Trái Đất có một lục địa mang tên Zealandia ẩn bên dưới Thái Bình Dương và gắn liền với New Zealand.
Nhóm 11 nhà khoa học quốc tế phát hiện New Zealand và New Caledonia là một phần của mảng vỏ lục địa khổng lồ có diện tích 4,9 triệu km2 tách ra từ Australia, RT đưa tin.
Bản đồ lục địa Zealandia. (Ảnh: geosociety.org).
Nghiên cứu công bố trên tạp chí của Hiệp hội Địa lý Mỹ, cho thấy 94% diện tích lục địa này chìm dưới nước, chủ yếu do lớp vỏ bị vát mỏng khi siêu lục địa phân tách. Các nhà khoa học đưa ra kết luận sau khi sử dụng công nghệ lập bản đồ trọng lực và độ cao bằng dữ liệu vệ tinh.
"Việc phân loại Zealandia như một lục địa không chỉ là đưa thêm một cái tên vào danh sách lục địa của Trái Đất mà giá trị khoa học của nó lớn hơn nhiều. Phát hiện một lục địa có thể chìm phần lớn dưới nước nhưng không bị đứt đoạn có ý nghĩa rất nhiều trong khám phá quá trình gắn kết và phân tách của vỏ lục địa", nhóm nghiên cứu cho biết.
"Dựa vào nhiều bằng chứng vật lý và địa vật lý thu thập trong hai thập kỷ qua, chúng tôi cho rằng Zealandia không phải là tập hợp những mảng vỡ lục địa chìm một phần dưới nước mà là một lục địa hoàn chỉnh rộng 4,9 triệu km2", các nhà khoa học khẳng định.
Bản đồ đơn giản của các mảng kiến tạo và lục địa của Trái Đất, bao gồm cả Zealandia.
Do các nhà địa lý gộp chung châu Âu và châu Á thành siêu lục địa Á - Âu, việc phát hiện ra Zealandia có thể sẽ nâng tổng số lục địa của Trái Đất lên con số 7.
Lớp vỏ của Zealandia có độ dày khoảng từ 10 đến 30km và tổng diện tích của nó lớn hơn một chút so với Ấn Độ.
Nghiên cứu công phu về Zealandia rộng gần 5 triệu km2 giúp xác định đó không chỉ là một nhóm đảo và mảnh vỡ mà là một lục địa lớn và riêng biệt đủ để được công nhận chính thức. Zealandia từng là một phần của Gondwana, siêu lục địa bao gồm cả châu Phi và Nam Mỹ. Cách đây 85 triệu năm, Zealandia tách khỏi Gondwana. Mảng đất liền trôi dạt lớn bằng một nửa diện tích Australia là nơi sinh sống của khủng long và có rừng mưa xanh tốt. Hàng triệu năm sau, các mảng kiến tạo trên thế giới bắt đầu tái sắp xếp trong thời kỳ biến động địa chất dữ dội.
Bản đồ Zealandia.
Trong thời kỳ này, Thái Bình Dương, mảng kiến tạo lớn nhất thế giới, sụp xuống bên dưới Zealandia. Quá trình hút chìm này khiến nền lục địa vỡ ra và chìm xuống theo, theo Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ.
Hiện nay, khoảng 94% diện tích của Zealandia chìm dưới nước, nhưng một số khu vực của lục địa này vẫn nhô lên, tạo thành New Zealand và các quần đảo nhỏ. Điểm cao nhất của Zealandia là núi Aoraki hay còn gọi là núi Cook (3.724 m). Giới nghiên cứu vẫn còn nhiều điều chưa biết về Zealandia và chưa thể xác định liệu phát hiện về lục địa có thể làm thay đổi mô hình khí hậu trong lịch sử hay không.