Các nhà khoa học Anh phát hiện mỏ khí heli lớn nhất thế giới tại châu Phi với trữ lượng khoảng 1,5 tỷ m3.
Theo UPI, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford và Đại học Durham, Anh, phát hiện khu vực Thung lũng tách giãn (rift valley), Tanzania, chứa khoảng 1,5 tỷ m3 khí heli và trữ lượng thực sự có thể nhiều hơn.
Hiện nay, khí heli được sử dụng rộng rãi trong các máy chụp cộng hưởng từ (MRI), thiết bị hàn, năng lượng hạt nhân, bơm bóng bay và nhiều ứng dụng khác. Thế giới tiêu thụ khoảng 226 triệu m3 khí heli/năm, trong đó Khu dự trữ Heli Liên bang Mỹ là nhà cung cấp lớn nhất với trữ lượng hiện tại là 685 triệu m3. Tổng dự trữ khí heli toàn nước Mỹ vào khoảng 4,3 tỷ m3.
Khu vực Thung lũng tách giãn, Tanzania, là nơi phát hiện mỏ khí heli với trữ lượng 1,5 tỷ mét khối. (Ảnh: Yahoo).
Nhóm nghiên cứu hợp tác với công ty Helium One, Na Uy, thăm dò khí heli gần những ngọn núi lửa. Sức nóng dữ dội tỏa ra từ núi lửa làm giải phóng khí heli từ đá sâu dưới mặt đất, sau đó lưu trữ chúng trong các mỏ khí nông hơn.
"Các mỏ khí heli có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng heli của xã hội thời gian tới, và những phát hiện tương tự trong tương lai sẽ không còn xa", Chris Ballentine, giáo sư tại Đại học Oxford, Anh, cho biết.
Thông thường, khí heli chủ yếu được tìm thấy trong quá trình khoan giếng dầu hay khí đốt. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học chủ động tìm kiếm khí heli và họ đã thành công. Nhóm nghiên cứu vận dụng sự hiểu biết của họ về địa hóa học, hình ảnh địa chấn của các cấu trúc bẫy khí ngầm để tìm kiếm khu vực chứa khí heli chưa pha trộn với những khí khác như carbon dioxide (CO2).
"Chúng ta có thể áp dụng công nghệ trên với các vùng đất khác trên thế giới có lịch sử địa chất tương tự để tìm kiếm nguồn khí heli mới", Pete Barry, giáo sư Khoa học Trái Đất tại Đại học Oxford, nói.