Phát hiện mới ở Tử Cấm Thành

Sau 3 lần khai quật (2004-2005-2006), mới đây các nhà khoa học thuộc Viện khảo cổ học VN đã phát hiện thêm nhiều chi tiết mới về Tử Cấm Thành (Thành Hoàng đế) dưới triều đại Tây Sơn ở xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn (Bình Định).

Đây là nơi đặt đại bản doanh của nghĩa quân Tây Sơn trong buổi đầu khởi nghiệp; là nơi hoạch định các kế hoạch, điểm xuất phát của nghĩa quân Tây Sơn vào Nam ra Bắc đập tan chúa Nguyễn, tiêu diệt chúa Trịnh, thống nhất đất nước. Di tích này sau đó bị nhà Nguyễn (Nguyễn Ánh) hủy diệt.

Thủy hồ hình trăng khuyết nằm bên cạnh điện Bát Giác (Ảnh: TTO)

Tiến sĩ Lê Đình Phụng, Viện khảo cổ học VN cho biết: lần khai quật thứ 3 được tiến hành từ tháng 10 đến tháng 12-2006 và đã cho những kết quả khá lý thú: Tử Cấm Thành được xây dựng chính trung tâm của thành Hoàng đế, phía ngoài và quanh Tử Cấm Thành là những đồi gò thấp bao bọc như gò tháp Cánh Tiên, gò tháp Mẫm, gò Tập, gò Vẫn Sơn và gò Thập tháp.

Bên trong Tử Cấm Thành là thành nội được xây dựng kiên cố và vững chắc tạo nên một hệ thống vành đai 3 lớp, để thành bảo vệ trung tâm này. Tử Cấm Thành có mặt bằng hình chữ nhật, hướng bắc-nam, kích thước 312m x 126m và cửa chính mở ra hướng Nam.

Về cấu trúc, tường ngoài được xây hai mặt đá ong, ở giữa là lớp đất đầm chặt. Giữa thành có một trục kiến trúc chính được xây dựng thẳng trục Bắc - Nam gồm các công trình kiến trúc: Nam Môn - Cung Quyền Bổng - Lầu Bát giác - Chánh tẩm và Hậu cung... được chia thành hai phần đều nhau. Các kiến trúc nằm trên trục chính đạo có khoảng cách phân bố rất đồng đều và hai bên kiến trúc chính có những kiến trúc văn hóa phụ trợ khác (không thấy ghi chép trong tư liệu cũ) như hai thủy hồ hình trăng khuyết, phân bố đăng đối hai bên lầu Bát giác, hay thủy hồ hình lá đề.

So với công bố trước thì việc khai quật lần này không chỉ có duy nhất một cửa mở về hướng Nam, mà phát hiện có thêm ít nhất 3 cửa ở các phía Đông - Tây - Nam, trong đó cửa chính mở về phía Nam.

Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn phát hiện thêm hệ thống cống thoát nước được xây dựng khá công phu và phân bố đều trong lòng thành theo một qui hoạch hoàn chỉnh. Nhiều hiện vật bằng gốm, sành sứ, đất nung có giá trị, cùng gạch ngói cũng mới được phát hiện. Qua các loại hình hiện vật, chất liệu và kỹ thuật chế tác cho thấy chúng tương đồng với nhau về mặt niên đại và có cùng niên đại với tòa thành...


Dấu tích bờ tường phía tây Tử Cấm Thành (Ảnh: TTO)


Hòn giả sơn nằm chính giữa điện Bát Giác và chính cung (Ảnh: TTO)

Như vậy, theo kết quả nghiên cứu khai quật Tử Cấm Thành lần này, các nhà khoa học Viện khảo cổ học VN và tỉnh Bình Định đã có thêm kết luận: các kiến trúc trong Tử Cấm Thành được xây dựng với sự tính toán chính xác, kỹ lưỡng, mặt bằng kiến trúc phân bố chặt chẽ và lấy tính đăng đối làm chủ đạo. Các kiến trúc chính đều được đặt trên một trục trung tâm của tòa thành và các kiến trúc phụ trợ phân bố đăng đối ở hai bên.

Qui mô kiến trúc Tử Cấm Thành tuy không lớn, diện tích và mặt bằng xây dựng hẹp nhưng vẫn thể hiện sự chặt chẽ trong việc qui hoach mặt bằng và ẩn chứa trong đó diện mạo Kinh đô của một vương triều, là trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa xã hội của một quốc gia trong một thời kỳ lịch sử.

Theo TTXVN, Tuổi trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video