Một nghiên cứu vừa được công bố tuần qua cho biết lá gan của con người vẫn trẻ trung dù cho chúng ta ngày một già đi. Sử dụng một kỹ thuật xác định tuổi đời bằng phóng xạ, các nhà nghiên cứu ước tính rằng độ tuổi trung bình của các tế bào gan con người là vào khoảng 3 năm tuổi. Tuy nhiên, một số tế bào dường như sống lâu hơn những tế bào khác, và phát hiện này có lẽ sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về lý do tại sao, cũng như những điều kiện khiến nhiều căn bệnh như ung thư gan lại xảy ra.
Nghiên cứu nói trên được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Công nghệ Dresden (Đức). Họ đã tìm cách ước tính tuổi thọ của các tế bào gan thu thập từ hơn 30 người đã qua đời bởi nhiều căn bệnh khác nhau, với tuổi đời từ 20 - 84. Để làm điều đó, họ dựa vào một kỹ thuật gọi là "truy nguyên ngày sinh carbon phóng xạ", vốn được phát triển vào đầu những năm 2000.
Mức độ hoạt động carbon phóng xạ trong môi trường trong vài thập kỷ gần đây có sự dao động do sự bắt đầu và kết thúc của những cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân trên mặt đất. Và bởi vết tích của carbon phóng xạ trong môi trường có thể hiện diện trong DNA của cây cối và tế bào động vật, các nhà khoa học có thể sử dụng carbon phóng xạ như một "thước đo" để tìm ra tuổi của một tế bào. Tế bào càng già, trong DNA của nó có khả năng càng tồn tại nhiều carbon phóng xạ.
Độ tuổi trung bình của các tế bào gan con người là vào khoảng 3 năm tuổi.
Khi nhóm nghiên cứu truy nguyên ngày sinh của các tế bào gan từ nhóm mẫu, họ phát hiện ra một đặc điểm chung bất kể tuổi thọ của người sở hữu các lá gan đó: hầu hết các tế bào gan đều trẻ và gần như cùng tuổi nhau. Sau đó, họ ước tính rằng hầu hết các tế bào gan sẽ tự thay thế chính chúng khoảng một lần mỗi năm, và trung bình, gan của chúng ta đều chưa đến 3 tuổi!
Lá gan được biết đến với đặc tính bền bỉ và có tốc độ phục hồi nhanh - một đặc điểm quan trọng đối với một cơ quan phải liên tục lọc bỏ các chất độc hại khỏi cơ thể chúng ta. Nhưng các nhà nghiên cứu nói rằng họ vẫn chưa biết nhiều về cách mà lá gan tự làm mới chính nó, và liệu khả năng phục hồi này có suy yếu dần theo thời gian hay không. Nghiên cứu cho thấy lá gan có thể vẫn trẻ trung dù tồn tại trong một cơ thể đang già cỗi.
Mặt khác, khi chúng ta già đi, dường như lá gan cũng sẽ có những thay đổi tương ứng. Một số tế bào trong gan có thể mang hơn hai bộ nhiễm sắc thể và vẫn hoạt động bình thường, không như hầu hết các tế bào khác trong cơ thể. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng những tế bào chứa DNA kia còn có khả năng sống lâu hơn nhiều so với những tế bào gan khác - lên đến một thập kỷ - và lá gan của con người dường như tích lũy ngày càng nhiều những tế bào như vậy. Do đó, các nhà nghiên cứu tin rằng thay đổi này chính là nguyên nhân giúp lá gan của chúng ta khỏe mạnh lâu dài. Và nếu điều đó là chính xác, thì nguy cơ con người mắc phải những vấn đề sức khỏe liên quan đến gan cũng có thể tăng cao khi quá trình nêu trên không diễn ra như dự tính.
"Bởi số lượng các tế bào như vậy sẽ tăng dần theo độ tuổi, đó có thể là một cơ chế bảo vệ chúng ta khỏi tích lũy các đột biến gây hại" - theo tác giả nghiên cứu Olaf Bergmann, một nhà nghiên cứu lâu năm tại Trung tâm Trị liệu Tái sinh Dresden. "Chúng ta cần tìm hiểu xem liệu có những cơ chế tương tự trong bệnh gan mãn tính, mà trong một số trường hợp có thể chuyển biến thành ung thư, hay không"
Phát hiện của nhóm nghiên cứu sẽ được đánh giá bởi các nhóm nghiên cứu khác trước khi được đưa vào các tài liệu y khoa học thuật. Nhưng một nghiên cứu tương tự của họ vào đầu năm nay đã cho thấy bằng chứng rằng các tế bào não nhất định có thể tự làm mới chính chúng kể cả khi chúng ta già đi - khá trùng hợp với nghiên cứu lần này. Kế hoạch tiếp theo của nhóm sẽ là tìm hiểu xem liệu các tế bào tim của những người mắc bệnh tim mãn tính vẫn còn lưu giữ được khả năng tái tạo hay không!