Nghiên cứu công bố ngày 17/1 trên tạp chí khoa học Nature đã chỉ ra các phát hiện thú vị về lịch sử hình thành hố đen cổ xưa nhất trong vũ trụ.
Hình minh họa do NASA công bố ngày 21/2/2013 cho thấy một lỗ đen siêu lớn trong thiên hà xoắn ốc NGC 1365. (Ảnh minh họa: AP)
Trước đó, dựa trên hình ảnh quan sát được từ kính thiên văn James Webb, giới khoa học cho rằng hố đen này có khối lượng gấp 1,6 triệu lần Mặt trời. Nó ngự trị ở trung tâm của thiên hà cổ đại GN-z11 và ra đời chỉ 430 triệu năm sau khi vụ nổ Big Bang hình thành nên vũ trụ, tức là tồn tại lâu hơn 200 triệu năm so với bất kỳ hố đen nào từng được quan sát. Hố đen này cũng sở hữu đặc điểm tương tự các hố đen khác, vô hình và chỉ được phát hiện nhờ những vụ nổ ánh sáng khổng lồ khi hố đen “nuốt chửng” mọi vật chất xung quanh.
Điểm thú vị là hố đen này đang đi ngược lại những phát hiện thông thường trước đây, khi giới nghiên cứu nhận định các hố đen siêu lớn ở trung tâm các thiên hà phải mất hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ năm mới có thể hình thành. Tuy nhiên, đồng tác giả nghiên cứu, nhà vật lý thiên văn học tại Viện Vật lý thiên văn Paris của Pháp Stephane Charlot cho rằng, các hố đen trong giai đoạn vũ trụ sơ khai có thể hình thành theo cách khác với những hố đen ở gần hơn.
Một giả thuyết cho rằng sự ra đời của hố đen thuộc trung tâm thiên hà GN-z11 xuất phát từ việc hàng loạt ngôi sao với khối lượng nặng, chỉ tồn tại trong vũ trụ sơ khai phát nổ, hoặc sự sụp đổ trực tiếp của một đám mây khí dày đặc mà chưa bước đến giai đoạn hình thành sao. Một khi đã ra đời, hố đen sẽ tiếp tục hấp thu lượng khí dồi dào xung quanh để tiếp tục phát triển.
Nhà thiên văn học thuộc Đại học Cambridge Jan Scholtz - đồng tác giả của nghiên cứu trên - kỳ vọng rằng kính thiên văn James Webb cùng nhiều thiết bị khác, điển hình là kính thiên văn Euclid của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) sẽ khám phá thêm nhiều hố đen tương tự.