Ngày 8-5, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hán Văn Khẩn, Trưởng nhóm nghiên cứu khảo cổ học trên địa bàn thành phố Hà Nội cho biết: Nhóm đã phát hiện được một số di tích khảo cổ học dưới mặt đất như lò nung gốm ở xã Xuân Thu (huyện Sóc Sơn); đồ gốm men, sành sứ, xỉ lò, mảnh ống bễ, mộ Hán ở các xã Đông Hội, Xuân Canh (huyện Đông Anh)...
Điều này hé mở một khả năng về sự tồn tại của lò luyện sắt thời Lê, góp phần cho việc nghiên cứu đời sống cư dân thời Lý, Trần, Lê ở khu vực Thăng Long, đặc biệt là các làng cổ dọc theo hai bờ sông Đuống.
Đặc biệt, đợt khai quật di tích Hoa Lâm Viên (xã Mai Lâm, huyện Đông Anh) lần này, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được dấu tích cư trú của một nhóm cư dân thời tiền Thăng Long, thông qua những hiện vật gốm tráng men có niên đại thuộc thế kỷ IX - X và gạch "Giang Tây Quân", gạch có dạng múi bưởi...cho thấy đây vốn là một điểm tụ cư quan trọng của Đại La, và là tiền đề cho sự phát triển của các nhóm cư dân thời Lý - Trần.
Tại đây, nhiều di vật có giá trị, đặc biệt là đồ gốm men cao cấp chứng minh Hoa Lâm Viên có một vị trí lịch sử quan trọng trong hệ thống định cư thời kỳ này. Hàng vạn mảnh ngói, gạch trang trí được phát hiện hé mở mối quan tâm về một hoặc nhiều công trình kiến trúc có niên đại Lý - Trần ở khu vực này.
Theo Tiến sĩ Hán Văn Khẩn: Trong số các di tích khảo cổ học mới được phát hiện trong hơn một năm qua, các di tích Đầu Vè, Bến Long Tửu (xã Đông Hội, huyện Đông Anh) rất quan trọng, bởi dấu vết di tích và di vật còn lại thì có thể nơi đây là một trung tâm sản xuất gốm, song thành phố đang xây dựng cầu bắc qua sông Hồng, nối liền với Quốc lộ 5 kéo dài, do vậy nếu các cơ quan có thẩm quyền không có biện pháp khoanh vùng bảo vệ, thì rất có thể trong một thời gian không xa những di tích này sẽ bị xoá sổ trên bản đồ khảo cổ học.