Phát hiện muỗi mang đột biến kháng thuốc diệt côn trùng tại Việt Nam và Campuchia

Các nhà khoa học Nhật Bản cho biết đã phát hiện giống muỗi có khả năng “siêu kháng” ở châu Á. Theo đó, giống muỗi này thuộc quần thể muỗi vằn Aedes aegypti - một trong những trung gian truyền bệnh phổ biến tại Việt Nam và Campuchia, mang trong mình nhiều đột biến được cho là giúp chúng có khả năng kháng lại cả những loại thuốc trừ sâu thông dụng nhất hiện nay.

Các nhà nghiên cứu đồng thời đưa ra khuyến cáo về việc cần ngay lập tức có hành động khẩn cấp quyết liệt để ngăn chặn những đột biến này lây lan trên phạm vi toàn cầu.

Chủng muỗi vằn Aedes aegypti từ lâu đã được xem là nguồn cơn ác mộng của nhân loại trên khắp thế giới, chủ yếu bởi số lượng vi khuẩn khổng lồ chúng có thể truyền sang cho con người, gây ra những bệnh khủng khiếp như sốt vàng da, sốt xuất huyết, Zika và chikungunya. Sự hiện diện ở phạm vi toàn cầu của Aedes aegypti (cùng một chủng họ hàng khác là A. albopictus) và những căn bệnh do chúng lây truyền đã gia tăng chóng mặt trong thời gian gần đây.

Nhiều chuyên gia dự đoán bi quan rằng phạm vi hoạt động của các chủng muỗi này sẽ ngày càng phát triển rộng hơn trong nhiều thập niên tới, trước bối cảnh khí hậu vẫn đang tiếp tục có dấu hiệu ấm lên, bao gồm cả khu vực phía Đông và phía Nam Hoa Kỳ. Do đó, những phát hiện mới được công bố này có thể nói đã góp phần làm gia tăng mối lo ngại về một vấn đề vốn đã rất nghiêm trọng.

Nghiên cứu được các nhà khoa học từ Viện Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản thực hiện đối với mẫu vật muỗi Aedes aegypti thu thập gần đây trên khắp khu vực châu Á, trong đó tập trung đi sâu tìm kiếm các đột biến gene đặc biệt thuộc kênh dẫn truyền ion Natri của chúng. Một số thể đột biến (được gọi là “đột biến hạ gục”) có thể giúp muỗi cùng các loại côn trùng khác sống sót khi tiếp xúc với pyrethroids - một hóa chất phổ biến sử dụng để kiểm soát các quần thể côn trùng. Các nhà nghiên cứu cũng đã so sánh tỉ lệ sống sót của muỗi “siêu kháng” trước tác động của thuốc trừ sâu với muỗi không kháng thuốc trong phòng thí nghiệm nhằm kiểm tra xem liệu có bất kỳ đột biến nào được tìm thấy thực sự có tác dụng bảo vệ muỗi hay không.

78% số muỗi tại Việt Nam và Campuchia mang thể đột biến mới có tên L982W.

Cuối cùng, nhóm nghiên cứu đã xác định được 10 chủng muỗi Aedes aegypti chưa từng được biết đến trước đây dường như mang ít nhất một thể “đột biến hạ gục”. Đặc biệt trong đó có 01 thể đột biến mới có tên L982W được tìm thấy ở hơn 78% số muỗi tại Việt Nam và Campuchia; nguy hiểm hơn, nghiên cứu tại một khu vực thuộc Campuchia cho thấy có khoảng 90% muỗi mang ít nhất một trong hai cặp đột biến được liệt vào nhóm cực kỳ đáng lo ngại.

Các thí nghiệm được tiến hành cũng phát hiện ra rằng những con muỗi kết hợp nhiều thể đột biến khó tiêu diệt hơn rất nhiều, nguyên nhân do “mức độ kháng pyrethroids cao hơn đáng kể so với bất kỳ quần thể muỗi thực địa nào từng được báo cáo”, nhóm nghiên cứu viết. Trong tiêu đề bài báo của nhóm, kết quả nghiên cứu được mô tả là “sự phát hiện loài muỗi lây truyền sốt xuất huyết siêu kháng thuốc trừ sâu tại châu Á”.

Những nghiên cứu khác được tiến hành cả trong phòng thí nghiệm lẫn thực tế những năm gần đây đã chỉ ra nhiều bằng chứng cho thấy sự kháng pyrethroids đang ngày càng gia tăng ở chủng muỗi Aedes aegypti tại châu Á và châu Mỹ. Mới đây, nhóm nhà khoa học Nhật Bản đã triển khai thực hiện một nghiên cứu nhằm mục tiêu tìm hiểu khả năng kháng pyrethroids ở chủng Aedes aegypti mở rộng trên phạm vi toàn cầu, được kỳ vọng sẽ đi tiên phong trong nỗ lực cố gắng làm sáng tỏ các cơ chế phân tử dẫn đến sự xuất hiện của đột biến, đặc biệt là đột biến xảy ra trên muỗi ở Campuchia.

Hiện nay, có những công nghệ giúp kiểm soát quần thể côn trùng không thông qua tiêu diệt đang được nghiên cứu phát triển, ví dụ: kỹ thuật vô trùng côn trùng phá hoại ngay từ bên trong; tuy nhiên chưa có biện pháp nào trong số này dự kiến sẽ sớm được áp dụng rộng rãi. Ngoài ra, một loại thuốc trừ sâu mới có tên neonicotinoids đang bắt đầu được triển khai rộng rãi hơn nhằm chống lại loài muỗi. Tuy nhiên hóa chất này làm dấy lên những tranh cãi do tác hại mang lại cho cả những loài côn trùng có tác dụng thụ phấn cho hoa màu; ngoài ra, bước đầu đã ghi nhận những dấu hiệu cho thấy muỗi cũng dần thích nghi với neonicotinoids. Hiện nay chưa có loại vắc-xin hoặc phương pháp điều trị nào mang lại hiệu quả cao, chi phí thấp nhằm ứng phó với các bệnh phổ biến nhất do muỗi lan truyền, đặc biệt là sốt xuất huyết.

Tóm lại, pyrethroids vẫn đang là thứ vũ khí được sử dụng rộng rãi để chống lại muỗi Aedes aegypti. Vì lẽ đó, cần nhiều sự nỗ lực hơn nữa nhằm kìm hãm không cho những đột biến đáng lo ngại bùng phát rộng trên phạm vi toàn cầu trước khi quá muộn. Cho đến thời điểm hiện tại, giới chuyên gia chưa phát hiện đột biến L982W ở muỗi nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam và Campuchia, thế nhưng “nó có thể đang âm thầm lây lan sang các khu vực lân cận khác của châu Á. Điều này gây ra mối đe dọa nghiêm trọng chưa từng có đối với công cuộc kiểm soát sốt xuất huyết nói riêng và những bệnh truyền nhiễm khác do muỗi Aedes aegypti gây ra nói chung”, các nhà nghiên cứu cảnh báo.

Cập nhật: 29/12/2022 VNReview
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video